Long Nhật 'không liên quan' gì đến cha mình

Long Nhật 'không liên quan' gì đến cha mình
TPO - Chẳng ai ngờ, một người làm dậy sóng dư luận và bất bình trên báo chí suốt hai năm qua với vấn đề giới tính như Long Nhật lại là con trai của nhà thơ mẫu mực Nguyệt Đình.

Nhà thơ Nguyệt Đình (tên thật là Đinh Khắc Duyệt) được biết tới không chỉ với những bài thơ trữ tình sâu lắng về Huế được chọn in trong Tuyển tập các nhà thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ 20.

Trong những ngày lễ tết cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là trong cái rét căm căm của miền Bắc, dường như tâm trạng con người ta dễ hoài hương và hướng về cội nguồn hơn bao giờ hết, Long Nhật cũng vậy.

Năm qua, một năm tự Long Nhật gây sóng gió dư luận khi làm rất nhiều việc khó chấp nhận. Nhưng rồi ai cũng thế, cũng trầm lại khi nghĩ về đấng sinh thành.

Nhà thơ Đinh Khắc Duyệt - Ba của Long Nhật
Nhà thơ Đinh Khắc Duyệt - Ba của Long Nhật.

Vốn được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia giáo nên ba tôi được dạy dỗ, học hành chu đáo từ bé. Trước năm 1975, ba tôi làm thày giáo dạy Việt Văn cho trường PTTH Bồ Đề- Đà Nẵng, cùng làm việc với ba tôi có nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Ngày đó, trước năm 1975, người ta gọi những thày giáo dạy cấp 3 như ba tôi là Giáo sư và mức lương ba tôi được nhận đủ nuôi cả gia đình sống sung túc. Sau 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ba nghỉ dạy học, mở Hợp tác xã thêu Phú Hiệp, được một thời gian thì ba chuyển qua thành Hợp tác xã Xây dựng và trang trí nội thất Tín Thành. Những đường nét hoa văn trang trí của Nhà hát Lớn Hà Nội bây giờ là công trình mà ba tôi trúng thầu dạo ấy.

Long Nhật 'không liên quan' gì đến cha mình ảnh 2

Với ba, tiền không phải là tất cả nhưng không bao giờ ba để thời gian rảnh. Ông chịu khó đọc, tìm hiểu và am tường lịch sử, văn học Việt Nam và thế giới cũng như các tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc mình và các dân tộc khác.

Ba đặc biệt coi trọng và đề cao tình làng, nghĩa xóm, những việc ma chay, hiếu hỉ… của họ tộc. Ba tôi đặc biệt mê thơ ca, thi pháp. Chính vì thế mà ông gắn bó với Câu lạc Bộ Thư pháp Huế - giờ đây ông là chủ nhiệm CLB.

Ông cũng góp phần không nhỏ trong sự thành công của những cuộc triển lãm Thư pháp tại các kỳ Festival Huế suốt từ năm 2000 tới nay. Cuốn truyện Kiều viết bằng Thư pháp nặng 77kg của ba tôi hiện đang được đặt trong Bảo tàng Nguyễn Du - Hà Tĩnh. Cuốn sách này được ghi vào guinness Việt Nam năm 2004.

Vợ chồng Long Nhật và ba mẹ anh
Vợ chồng Long Nhật và ba mẹ anh.

Ba tôi bắt đầu làm thơ từ khi nào tôi không rõ nhưng từ khi còn bé tí tẹo, dù rất sợ ba và không yêu ba như bây giờ tôi vẫn được ông gọi lên đọc những bài thơ mới của mình cho bạn bè ông nghe mỗi khi họ tới chơi.

Tôi có giọng đọc diễn cảm và tôi còn có biệt tài 'bắt chước' hoặc 'nhại' theo những giọng ngâm mà tôi nghe được trên Đài hoặc vô tuyến như: lảy Kiều, sa mạc, tao đàn…

Ba để lại nhiều dấu ấn và kỷ niệm đẹp đẽ trong anh em tôi qua những câu thơ. Ví như ba yêu mẹ, một tiểu thư con nhà giàu, từ nhỏ đã không phải làm gì, nhưng khi giải phóng về mẹ lại trở nên kiên cường, giỏi giang và lăn lộn với cuộc sống.

Mẹ tôi đi buôn hàng len từ Nam Định vào Huế; buôn gạo từ Thái Bình về. Có khi cả tuần lễ chúng tôi không gặp mẹ bởi mẹ đi từ sáng sớm tới tối chẫm mới về, lúc đó chúng tôi đã ngủ từ lâu.

Ba gọi mẹ là “Người đàn bà hai buổi cơm đèn'. Ba làm thơ tặng mẹ: 'Yêu trăng, yêu gió, yêu thơ/ Yêu ai lặn lội mấy bờ lao đao/ Yêu trăng, yêu gió, yêu thơ/ Yêu em anh phải hững hờ với trăng”. Có một mùa tết, lâu lắm rồi, mẹ đang ngồi nấu bánh trưng với chúng tôi trong những ngày đông lạnh giá của Huế ba lại viết: 'Trời làm mưa bão rét tàn đông/ Mấy chục năm qua má vẫn hồng/ Lòng ta vẫn ấm bên em đó/ Đã mấy xuân rồi em biết không'…

Ba có nhiều tập thơ được in và tôi thuộc nằm lòng những bài thơ đó như: Thuyền trăng, Huế trong thơ Nguyệt Đình, Mây khói lang thang. Gần đây nhất là tuyển tập Mái chèo trăng của ba. CD thơ Mái chèo trăng tôi làm tặng ba với sự giúp đỡ của NSUT Vân Khánh, một ngôi sao ca nhạc và ngâm thơ của Huế. Khi làm CD này Khánh đã nói: 'Đến bây giờ anh mới làm CD thơ cho ông nội là hơi muộn đấy” (Khánh vẫn gọi ba tôi theo kiểu thân tình là “Ông nội”). Tôi rất thích những bài như: Thuyền trăng, Về với Huế, Hương cau, Là tà áo em, Quán ca, Quán luận… trong CD thơ đó.

CD này là món quà thay lời cảm tạ ơn sinh thành tôi dành tặng ba mẹ nhân ba tròn 75 tuổi và mẹ tròn 70 tuổi.

Trong chương trình kỷ niệm “Long Nhật- 20 năm một chặng đường ca hát” mà Đài Truyền hình Việt Nam vừa thực hiện cho tôi ba đã nói rằng thực lòng, ba không muốn tôi theo nghiệp cầm ca. Nhưng cái tên Long Nhật mà ba đặt đã trở thành cái tên của một ca sĩ và được khán giả yêu thương đó là duyên phận của tôi và ba gửi lời cám ơn cô bác mọi miền đã yêu thương tôi suốt thời gian qua và cả trong thời gian tới.

Hơn cả ngàn lời cảm ơn, tôi muốn nói với ba của tôi: Ba đã cho con sống trọn với mơ ước của con dẫu cho tới bây giờ ba vẫn còn nhiều điều canh cánh về con!

Thục Nhi

Theo Viết
MỚI - NÓNG