'Cuộc đời của Pi': Phim bom tấn đáng xem

'Cuộc đời của Pi': Phim bom tấn đáng xem
TPO – Life of Pi là một bộ phim của đạo diễn Lý An, được dựng lại từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel, một bộ phim hiếm có đẹp toàn diện cả về hình ảnh lẫn nội dung.

> 'Cuộc đời của Pi' và Lý An của 3D

Cuộc đời của Pi (Life of Pi) là tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, được xuất bản năm 2001. Năm 2012, tiểu thuyết đã chính thức được lên màn ảnh rộng với cái tên tương tự, do Lý An đạo diễn.

Bộ phim đã được đánh giá rất cao với nhiều tên gọi mỹ miều như siêu phẩm, phim bom tấn …, sử dụng công nghệ 3D được cho là sẽ mang lại những thước phim đẹp hơn cả siêu phẩm 3D Avatar trước đây.

Nhìn chung, Cuộc đời của Pi là bộ phim rất đáng xem, tổng hợp của những hình ảnh tuyệt đẹp trên biển dưới công nghệ 3D hiện đại, và câu chuyện đầy bài học để suy ngẫm, tuy không phải là một bộ phim giải trí dễ xem.

Công nghệ 3D hoàn hảo

Thật khó để so sánh Life of Pi với Avatar, bởi 2 bộ phim đều tạo ra những cảnh hoành tráng và cực kỳ bắt mắt dựa trên công nghệ 3D. Nếu Avatar sử dụng bối cảnh rừng rậm, pha chất viễn tưởng, thì Life of Pi lấy bối cảnh hầu hết là trên đại dương lênh đênh, lúc thì cuộn tràn gió bão, khi lại tĩnh lặng vô cùng.

'Cuộc đời của Pi': Phim bom tấn đáng xem ảnh 1

Rất nhiều đất diễn cho công nghệ 3D ở Life of Pi, và tất cả đều tạo nên những hình ảnh vô cùng tráng lệ, bắt mắt. Từ cảnh con tàu lớn bị nhấn chìm trong sóng biển, con cá voi khổng lồ lao lên từ mặt nước, đàn cá chuồn lao thẳng vào chiếc thuyền nhỏ bé trên đại dương.

Thậm chí nguyên đoạn tưởng tượng hư hư thực thực của Pi ở giữa đại dương được dựng lên như để “khoe” công nghệ 3D hoàn hảo này.

Nhiều góc quay lạ được tận dụng triệt để, phối hợp với công nghệ 3D tạo nên những hình ảnh vô cùng ấn tượng, như góc quay từ dưới nước lên, hay quay từ trên trời xuống, độc đáo và hấp dẫn.

Câu chuyện đầy suy ngẫm

Có người nói bộ phim Life of Pi không hay bằng tiểu thuyết cùng tên, khi nó giản lược đi khá nhiều thứ có trong tiểu thuyết, đặc biệt là về vấn đề tôn giáo trong truyện.

'Cuộc đời của Pi': Phim bom tấn đáng xem ảnh 2

Tuy nhiên, sự không đi quá sâu vào tôn giáo này sẽ làm người xem tập trung hơn vào một điểm nhấn khác: quy luật sinh tồn, phần con và phần người trong mỗi con người.

Trên một con thuyền cứu nạn nhỏ bé, đầu tiên có sự xuất hiện của tới 5 nhân vật: Pi, ngựa vằn, linh cẩu, đười ươi và một con hổ Bengal có tên Richard Parker. Dần dần, quy luật sinh tồn khiến những con vật này ăn thịt lẫn nhau để giành lấy sự sống mỏng manh trên đại dương mênh mông. Cuối cùng chỉ còn lại Pi và chú hổ to lớn Richard Parker, đây mới là lúc câu chuyện thực sự bắt đầu.

'Cuộc đời của Pi': Phim bom tấn đáng xem ảnh 3

Bộ phim đã thành công khi lôi kéo người xem theo dòng cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật. Ở phần đầu phim, khi Pi mang miếng thịt cùng niềm tin vào 3 tôn giáo của cậu tới cho chú hổ trong sở thú, người xem những tưởng sau này cậu bé và hổ sẽ là những người đồng hành thân thuộc.

Nhưng không, sự lựa chọn sống chết trong hoàn cảnh đặc biệt, việc ăn thịt Pi dường như là sự lựa chọn duy nhất của hổ nếu muốn sống sót dù chỉ vài ngày đã đẩy hai nhân vật tới giới hạn của sự sống chết.

Ngay khi người xem cảm nhận được cái ranh giới của sự sinh tồn trên con thuyền bé nhỏ, cảm thấy Pi sợ hãi tuyệt vọng, không còn tin vào sự sống khi đối mặt với chú hổ đang đói khát, thì niềm tin vào sự sống lại trở về với Pi, khi cậu nhóc nhận ra được mình có thể phân chia lãnh thổ và cùng tồn tại với con hổ trên chiếc thuyền bé nhỏ.

'Cuộc đời của Pi': Phim bom tấn đáng xem ảnh 4

Thêm vài lần thử thách sống chết của cả Pi và chú hổ Richard Parker, khiến người xem cảm thấy như trước cái chết cận kề, hai kẻ sống sót duy nhất trên con thuyền, 1 người 1 hổ đã gần gũi với nhau như hai người bạn, thì một lần nữa phim lại xoay 180 độ, để chú hổ Bengal bỏ mặc Pi trên bãi cát bờ biển Mexico, lao vào rừng như một con dã thú thực sự.

Life of Pi quả thật là một bộ phim mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc về tự nhiên. Quy luật sinh tồn tuy khắc nghiệt nhưng trọn vẹn, Pi chắc hẳn không thể sống sót nếu không có sự thèm khát luôn hiện hữu từ chú hổ kia. Chính khát vọng sinh tồn của chú hổ đã tiếp thêm sức mạnh cho Pi vượt qua ranh giới sống chết mong manh.

Những cảm xúc sợ hãi tuyệt vọng tới hi vọng và niềm tin được đẩy tới đỉnh cao rồi giải tỏa triệt để tạo nên tâm lý hồi hộp từ đầu đến cuối cho người xem.

Thêm nữa, những câu chuyện kiểu nửa đùa nửa thật đầy mơ hồ nhưng cũng rất thực tế của Pi khi kể lại hành trình sống sót của mình cũng để lại nhiều suy nghĩ. Những con vật được Pi nhân hóa thành những con người trên chiếc tàu lớn, rồi cũng giành giật nhau sự sống, cũng thể hiện phần con của mình như những dã thú.

Liệu khi bị đẩy vào con đường cùng của sự sống và cái chết, con người ta có còn giữ được phần người hay không? Đó là câu hỏi mà người xem sẽ tự hỏi khi nghe câu chuyện của Pi. Cuộc đời của Pi dường như cũng chính là cuộc đời của mỗi con người, khi gặp phải những khoảnh khắc quyết định của cuộc đời.

Life of Pi là bộ phim không dễ xem, bởi phải suy nghĩ, chiêm nghiệm về sự sống, cái chết, phần con, phần người, đức tin vào thần thánh... thì mới thấy được cái hay của bộ phim. Đó chắc hẳn cũng là lý do mà Life of Pi được chiếu trên toàn thế giới rất gần với “Ngày tận thế” 21-12-2012.

Tận thế có thể còn rất lâu nữa mới xảy ra, nhưng hi vọng con người sẽ giữ vững niềm tin và khát vọng sinh tồn để cùng nhau vượt qua khó khăn, chứ không phải bộc lộ ra phần con, giẫm đạp lên nhau để tranh giành sự sống. Cũng giống như Pi trong phim, cứu hổ để sống chung và cùng hổ vượt qua ranh giới sự sống và cái chết, bằng phần người đậm chất nhân văn.

Cho dù bộ phim không dễ xem và không phải là phim giải trí đơn thuần, nhưng với những hình ảnh 3D hoàn hảo, Life of Pi có lẽ là bộ phim chiếu rạp đáng xem nhất tại thời điểm này. Nếu như Life of Pi có đạt được vài giải thưởng danh tiếng, hay thậm chí vài giải Oscar, thì có lẽ cũng không bất ngờ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG