Giới hạn nào cho sự bắt chước?

Giới hạn nào cho sự bắt chước?
TP - Biết bao nhiêu tài năng nhảy kiểu Michael Jackson đã đến sân chơi Got Talent Việt rồi đi. Chỉ còn lại Nguyễn Hoàng Anh. Sự mạnh dạn kết hợp vũ điệu Thriller với giai điệu Trống cơm của cậu bé sẽ được bao nhiêu người xem đón nhận?

Bán kết 6 Tìm kiếm Tài năng Việt :

Giới hạn nào cho sự bắt chước?

>Gây 'hỏa hoạn' để mong vào chung kết
>Tài năng chỉnh âm thanh ở đâu?

Không biết khả năng của các vũ công nhí Việt so với thế giới thế nào chứ hầu hết các tiết mục nhảy theo kiểu Michael Jackson tại vòng trong các cuộc Got Talent của Trung Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ… đều được tán thưởng nhiệt liệt. Khán giả và giám khảo đứng hết cả lên hò reo không ngớt.

Tìm kiếm Tài năng Việt ban đầu cũng có hiện tượng đó, nhưng về sau thì thôi, mọi người ngồi vỗ tay bình thường. Có lẽ vì họ đã chứng kiến quá nhiều tài năng trong lĩnh vực bắt chước Michael Jackson, riêng về khoản nhảy. Đã gọi là bắt chước mà lại chỉ bắt chước được một nửa (lại là nửa phụ), khả năng tiến xa của các tài năng này phải nói là không nhiều.

Chính vì thế mà thí sinh theo trường phái Michael còn sót lại Nguyễn Hoàng Anh đã tìm cách kết hợp hình ảnh và bước nhảy của ông hoàng nhạc pop Mỹ với dân ca Việt Nam như đã thấy trong đêm bán kết 6. Tuy nhiên, thời lượng ngắn ngủi của tiết mục đã bị chia sẻ bởi những màn trình diễn râu ria (Hoàng Anh đóng giả ma chui từ dưới mộ lên), và hoàn toàn không ăn nhập với bài Trống cơm sau đó. Phần hát quá ngắn và không phô được giọng của Hoàng Anh vì cậu hát theo kiểu đọc rap.

Hiện tượng thi nhau bắt chước Michael Jackson của thí sinh Việt Nam’s Got Talent nói lên điều gì? Thứ nhất, có lẽ nhảy Michael Jackson không quá khó. Thứ hai, chắc hẳn người Việt Nam rất yêu và trung thành với Michael Jackson. Thứ ba, phải chăng quan niệm của người Việt Nam là: thà bắt chước “vua” còn hơn làm cái gì của chính mình?!

Ranh giới của sự bắt chước khá mơ hồ. Nếu thành công với những chất liệu, hình mẫu đã có, người ta gọi là học hỏi, kế thừa. Còn khi làm không tới hoặc áp dụng những yếu tố không phù hợp, thì sự bắt chước sẽ phản tác dụng. Chẳng hạn trường hợp Nguyễn Lê Nguyên được kỳ vọng là cái đinh của đêm bán kết 5, nhưng rút cuộc đã không lọt top 3 đêm đó.

Điểm thu hút của Nguyên là bản lĩnh sân khấu không khác gì ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ đa số khán giả không mong muốn được xem một ca sĩ già trước tuổi trình diễn thiên về hình thể qua những động tác lắc mông, vuốt đùi… vẫn hay thấy ở những nữ ca sĩ người lớn sexy.

Trẻ em thường bắt chước rất nhanh những gì các em thường tiếp xúc. Và nói chung người lớn đóng vai trò quyết định môi trường tiếp xúc của các em. Nếu các tiết mục do các em trình bày tại sân khấu Tìm kiếm Tài năng có chút gì gợn thì phần nhiều nó thể hiện gu thẩm mỹ của những người lớn sống quanh em mà thôi.

Vũ Đình Tri Giao được chọn là cái đinh của đêm bán kết 6, khi bé được xếp hát cuối. Nếu cô bé thể hiện When you believe- bản song ca của Whitney Houston và Mariah Carey- thành công, thì đích thị bé là tài năng. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy đến. Và điều này là hoàn toàn bình thường, chỉ tiếc là nó lại diễn ra trong một chương trình tìm kiếm những điều phi thường.

Các tiết mục hát trong đêm bán kết 6 không gây ấn tượng nhiều so với các loại hình khác. Y Kroc tuy khoe được khả năng sáng tác ca khúc nhưng bài Hello Mr. Morning nghe khá country Mỹ không hẳn phù hợp với chất giọng thiên về rock Tây Nguyên của anh. Nhạc sĩ Huy Tuấn nhận xét: “Bạn khá mạo hiểm khi chọn một bài hát của riêng mình để mang đến cuộc thi.

Tuy nhiên bài hát của bạn cũng khá ấn tượng bởi nó được viết theo một phần hòa thanh không dễ dãi, khá có gu. Nếu bạn không coi đây là cuộc thi mà chỉ là một cơ hội để mọi người biết đến bạn, cũng như phong cách âm nhạc của bạn, thì tôi nghĩ tiết mục của bạn đã thành công.”

Y Kroc dù sao cũng là thí sinh đầu tiên thể hiện khá thành công một tài năng thuộc loại hiếm trên sân chơi Talent Việt. Điều này sẽ kích thích khán giả bình chọn cho anh? Và giả sử bài hát của anh có lời Việt để đại đa số khán giả có thể hiểu thì họ sẽ còn bình chọn nhiều hơn?

“Hoàn hảo”, “kinh khủng”, “rất cuốn hút”, “nghẹt thở”… là những từ 3 vị giám khảo dành cho màn trình diễn parkour của nhóm Gia Đình Bong Bóng. Với khả năng biến một môn thể thao mạo hiểm thành màn trình diễn có cái để xem trên sân khấu, Gia Đình Bong Bóng có nhiều triển vọng để vào vòng chung kết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG