'Thị trường bất động sản còn rất khó khăn'

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thủ tục giải ngân gói 30.000 tỷ được tiến hành chặt chẽ là việc làm cần thiết
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thủ tục giải ngân gói 30.000 tỷ được tiến hành chặt chẽ là việc làm cần thiết
Lạc quan về những chuyển động tích cực tại phân khúc giá thấp nhưng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện thị trường nhà đất nhìn chung vẫn còn khó khăn, việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ cũng cần thời gian...

Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng, ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ những nhận định về thị trường bất động sản, đồng thời giải đáp về băn khoăn của người dân về giải ngân gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, khắc phục thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng...

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thủ tục giải ngân gói 30.000 tỷ được tiến hành chặt chẽ là việc làm cần thiết
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thủ tục giải ngân gói 30.000 tỷ được tiến hành chặt chẽ là việc làm cần thiết.

Bộ trưởng nhìn nhận thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2013 và xu hướng của năm 2014 sẽ như thế nào?

Thị trường bất động sản sau một thời gian đóng băng, thì những tháng gần đây, đã có những chuyển động rất tích cực, giao dịch tăng lên, đặc biệt phân khúc nhà ở có quy mô trung bình và nhỏ, giá thấp, nguồn cung thiếu so với cầu. Tuy nhiên, thị trường còn rất khó khăn do khả năng của nền kinh tế còn hạn chế.

Giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh, do trước đây giá ảo nên nay bắt buộc phải giảm để quay về giá trị thực. Nhà đầu tư cũng phải giảm giá để tăng giao dịch.

Trong thời gian tới chắc chắn bất động sản được giao dịch tốt hơn, do giá ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân và thị trường sẽ từng bước hồi phục.

Một người dân bày tỏ, khi nói về việc Chính phủ hỗ trợ cho người thu nhập thấp, họ đã rất mừng vì có cơ hội có chỗ ở tử tế. Tuy nhiên, hy vọng của họ ngày càng ít đi và giờ thì tắt hẳn. Với thủ tục và giải ngân như thế thì họ không còn trông chờ nữa. Bộ trưởng lý giải như thế nào về sự chậm trễ của chính sách đang rất được mong chờ?

Gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Và muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu một m2, dưới 70 m2. Trong khi cả nước hiện nay cần hơn một triệu căn hộ nhà xã hội. Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung này không thể giải quyết nhanh vì chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện, trong khi việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngày một ngày hai.

Thứ hai là việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhiều doanh nghiệp không mặn mà, do lợi nhuận thấp hơn nhiều so với nhà thương mại. Một nguyên nhân nữa là thủ tục, yêu cầu để giải ngân gói 30.000 tỷ này là bắt buộc. Vì nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước.

Tôi cũng đồng tình với việc những ai có nhu cầu mua nhà thì phải được hỗ trợ trong gói 30.000 tỷ này. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Xây dựng, các địa phương mà cả các ngân hàng phải vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Thất thoát lãng phí trong xây dựng vốn là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Những con số thất thoát có thể lên tới 30%, thậm chí cao hơn tùy vào dự án. Theo Bộ trưởng nguyên nhân của tình trạng trên và những sửa đổi trong dự thảo Luật, Nghị định lần này có khắc phục được lỗ hổng này hay không?

Nguyên nhân thứ nhất tôi cho rằng là do chất lượng quy hoạch chưa cao. Bên cạnh đó, chất lượng công tác kế hoạch chưa phù hợp và công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ...

Năm 2013, Chính phủ ban hành 2 văn bản. Trong đó, Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị có tính đổi mới, đột phá khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát phong trào. Trong nghị định đã nêu rõ yêu cầu về phát triển có quy hoạch và có kế hoạch, cân đối nguồn lực, khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo như hiện nay.

Còn Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng cũng là một bước đổi mới. Thay vì coi các chủ đầu tư của các nguồn vốn như nhau, lần này quy định nêu rõ nguồn vốn Nhà nước phải được kiểm tra, thiết kế, dự toán ngay từ ban đầu…

Chính phủ cũng yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG