Ai “tạm giữ” hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì?

Ai “tạm giữ” hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì?
TP - Sáng qua, đại diện nhiều khu căn hộ cao cấp tại Hà Nội đã có cuộc gặp với các cơ quan báo chí kiến nghị về tình trạng hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì đang bị chủ đầu tư “tạm giữ” trái phép, không chuyển giao cho Ban quản trị theo quy định...

> Những dự án căn hộ bán chạy trong tháng ‘cô hồn’
> Chủ đầu tư Tháp Doanh nhân không được huy động vốn

Chị Trịnh Thúy Mai, đại diện Ban quản trị khu căn hộ Keangnam cho biết, mặc dù Ban quản trị dân cư đã được thành lập hơn 1 năm. Ban quản trị đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư là Cty TNHH một thành viên Keangnam Vina chuyển cho Ban quản trị toàn bộ số tiền phí bảo trì mà chủ đầu tư đã thu của người dân khi mua nhà nhằm kịp thời phục vụ cho việc bảo trì các hạng mục kỹ thuật cần thiết nhưng đến nay chủ đầu tư chưa thực hiện trách nhiệm này.

Chị Mai ước tính, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của toà nhà Keangnam khoảng 150.000 m2 và giá bán căn hộ là 2.800 USD/m2 thì phí bảo trì mà chủ đầu tư đã thu lên tới khoảng từ 190 đến 210 tỷ đồng. Đây là số tiền bảo trì hoạt động, trang thiết bị của toà nhà trong suốt quá trình sử dụng.

Tại khu căn hộ The Manor, Ban quản trị (đã thành lập nhiều năm) cũng chưa hề nhận được tiền bảo trì từ chủ đầu tư. Bà Nguyễn Nhung Hạnh, Tổ trưởng dân phố số 3 cho rằng, chủ đầu tư là Cty Bitexco đã phớt lờ các kiến nghị của cư dân. Một hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng lại do cả cư dân và chủ đầu tư cùng quản lý dẫn đến nhiều vướng mắc này sinh.

Tại khu căn hộ Sky City 88 Láng Hạ, sau nhiều kiến nghị, chủ đầu tư là Cty TNHH Hanotex đã tạm chi một phần tiền phí bảo trì cho Ban quản trị. Tuy nhiên, theo anh Đặng Trọng Hiến, đại diện ban quản trị, ước tính chủ đầu tư đang “om” của cư dân số tiền bảo trì lên tới khoảng 15 tỷ đồng. “Chúng tôi cần sự minh bạch và đã đề nghị quyết toán, làm rõ số tiền bảo trì nhưng chủ đầu tư không chịu thực hiện”-anh Hiến nói.

Những tranh chấp liên quan phí bảo trì, phần sở hữu chung riêng tại hàng loạt dự án khu căn hộ đang diễn ra hết sức nhức nhối, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của hàng ngàn hộ dân. Trong khi đó cơ chế và quy định của pháp luật về vấn đề này lại khá mờ nhạt, thiếu chế tài.

Chị Trịnh Thuý Mai cho rằng, quy định mới mang tính hướng dẫn thực hiện nhưng nếu chủ đầu tư không thực hiện thì việc xử lý bị bỏ lửng. “Quản lý nhà nước về vận hành các khu căn hộ đang bị buông lỏng. Để tránh tình trạng rủi ro thả gà ra đuổi khi nộp 2% phí bảo trì cho chủ đầu tư, nhà nước cần quy định rõ một cơ quan hay ngân hàng đứng ra thu khoản này rồi sau đó bàn giao lại cho Ban quản trị” - chị Mai đề xuất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG