Hạn chế xây nhà cao tầng
TP HCM sẽ có quy định hạn chế xây nhà cao tầng trong vùng nội thành cũ, trên các tuyến đường lộ giới nhỏ hơn 20 m và hạn chế phát triển chung cư cao tầng trong khu đất nhỏ hơn 1.200 m2
Ngày 18/6, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TP HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đây là một trong những chìa khóa quan trọng giải quyết các vướng mắc trong công tác cấp phép xây dựng tại TP HCM hiện nay.
Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc được hy vọng sẽ góp phần cải tạo tốt diện mạo đô thị TP HCM. |
Công trình tạm: Không quá 3 tầng
Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch, Sở QH-KT, quy chế nhằm quản lý về mặt kiến trúc đối với các khu vực đã có quy hoạch phân khu. Đối với các khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy chế này là cơ sở để lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị, đồng thời cũng là cơ sở để cấp phép quy hoạch và cấp phép xây dựng hoặc cải tạo công trình - nhà ở riêng lẻ.
Một số điểm đáng lưu ý của quy chế: Đối với vùng nội thành cũ, hạn chế phát triển kiến trúc cao tầng trong khu dân cư hiện hữu, trên các tuyến đường lộ giới nhỏ hơn 20 m, hạn chế phát triển chung cư cao tầng trong khu đất nhỏ hơn 1.200 m2.
Việc cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trong khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/2.000, phòng quản lý đô thị quận - huyện căn cứ vào quy hoạch chung của địa phương, tiêu chuẩn xây dựng, quy chế này và các quy định hiện hành để cấp phép.
Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ được cấp phép xây dựng tạm, quy mô công trình không quá 1 tầng ở khu vực ngoại thành, 2 tầng trong khu đô thị mới và 3 tầng trong khu đô thị hiện hữu… Công trình có độ cao từ 25 tầng trở lên phải thi tuyển thiết kế kiến trúc.
Chậm cho chắc hơn
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho rằng nhà liên kế cải tạo đã được điều chỉnh theo Quyết định 135 và 45 của UBND TP quy định về kiến trúc nhà ở liên kế trong khu đô thị hiện hữu, không nên đưa vào quy chế này.
Ông Khiết cũng cho rằng chỉ nên ban hành quy chế khung cho toàn TP, sau đó mỗi quận, huyện tùy đặc điểm mà ban hành các quy chế riêng. Còn chi tiết hóa như dự thảo sẽ khiến quận, huyện khó thực hiện.
Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thắc mắc như thế nào là nhà thuần nông vì hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có 3 dạng nhà ở: nhà xen cài trong khu nông nghiệp, nhà trong tuyến dân cư nông thôn và nhà trong trung tâm xã hoặc trung tâm phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, nếu quy mô xây dựng nhà thuần nông diện tích 500 m2 thì quá ngặt cho người dân vì người dân phải nộp tiền sử dụng đất nhà ở cho cả 500 m2, trong khi nhà ở nông thôn không bao giờ xây hết 500 m2.
Ngoài ra, quy định diện tích xây dựng nhỏ nhất là 120 m2 cho nội thành, 200 m2 cho ven đô và 500 m2 cho nông thôn là chưa phù hợp với Quy định 19 của UBND TP về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa.
Còn theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 10, hệ số sử dụng đất không vượt quá 5.0, mật độ xây dựng 40% mà tầng cao tối đa đến 40 là không hợp lý, vì thế đề xuất nâng hệ số sử dụng đất lên 6.0 để thu hút đầu tư.
Theo Sở Xây dựng TP, để giải quyết vấn đề cấp bách trong quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, đặc biệt là cấp phép xây dựng - quyền lợi sát sườn của người dân, quy chế cần nhanh chóng chỉnh sửa để sớm ban hành cũng là lấy thực tiễn để điều chỉnh thêm. Dẫu vậy, mốc thời gian ngày 1/7/2013 như lãnh đạo TP yêu cầu có thể không kịp, bởi theo KTS Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội KTS TP HCM, dự thảo vẫn còn nhiều điều nếu áp dụng vào thực tế sẽ gây tranh cãi.
“Thà chậm còn hơn đưa ra những quy định ảnh hưởng đến phát triển đô thị và đời sống người dân” - ông Mười nói.
Ông Huỳnh Xuân Thụ cho biết, sẽ tổng hợp các góp ý để báo cáo UBND TP, song song đó sở vẫn tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo.
Theo Thu Sương
Người Lao Động