Đánh thuế lũy tiến dự án chậm tiến độ

Đánh thuế lũy tiến dự án chậm tiến độ
TP - Sáng qua (24/4), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên-Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

> 125.000 trường hợp chưa được cấp sổ đỏ: Hà Nội gỡ thế nào?
> Công chức 'ăn cắp giờ hành chính': Phát hiện kỷ luật ngay

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc thu hồi đất lúa được quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng.

Một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy quá chặt chẽ. Theo ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai, quy hoạch sử dụng đất đều đã được Chính phủ phê duyệt, nếu chỉ lấy một mét vuông đất mà cũng phải xin ý kiến Thủ tướng thì sẽ có nhiều chuyện phức tạp, rắc rối.

“Nên quy định rõ về quy mô, tính chất dự án cần xin ý kiến Thủ tướng chứ không nên cào bằng tất cả” - ông Hưng nói. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Thúy lo ngại quy định này sẽ dẫn đến hậu quả làm nảy sinh cơ chế xin - cho rất phức tạp trong quá trình thực hiện các dự án.

Theo Ban soạn thảo, quy định này nhằm mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, sẽ bổ sung thêm phương án quy định cụ thể tiêu chí, quy mô và tính chất dự án phải được Quốc hội, Thủ tướng quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư khi thu hồi đất.

Thu hồi phải minh bạch

Dự luật giữ nguyên quy định cũ về áp dụng cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đó, không thực hiện cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo phù hợp với chế định về sở hữu đất đai, giúp cho nhà nước chủ động tạo quỹ đất để đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, dự kiến Luật sửa đổi sẽ điều chỉnh một số vấn đề: Chính phủ sẽ quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất để khắc phục tình trạng tùy tiện. Với các dự án chậm tiến độ hai năm (từ khi nhận bàn giao đất) sẽ đánh thuế lũy tiến, nếu sau hai năm nộp thuế mà dự án vẫn chưa triển khai nhà nước sẽ thu hồi đất.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, vấn đề quan trọng là việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch. Phải có cơ chế đền bù thỏa đáng. “Vì nếu tiền đền bù không đủ đáp ứng cuộc sống, khiến cho người dân không có cơ hội chọn lựa kế sinh nhai sẽ chẳng khác nào đẩy người dân vào đường cùng” - ông Vinh nói.

Có gần 7 triệu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian 2 tháng đưa ra lấy ý kiến. Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau sẽ được nghiên cứu để hoàn chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG