M&A ngân hàng, bất động sản

M&A ngân hàng, bất động sản
TP - Năm 2013 chỉ mới bắt đầu, nhưng thị trường Mua bán và Sáp nhập (M&A) đã thực sự được làm nóng với hàng loạt thương vụ chào mua doanh nghiệp công khai trên sàn cũng như những doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết khác.

> Nên điều chỉnh tỷ giá trong quý 1-2013
> Ngân hàng “chặt đẹp” người dùng thẻ

Ngoài thương vụ vừa hoàn tất của Tập đoàn Masan, dự báo trong năm nay, lĩnh vực ngân hàng, bất động sản sẽ có nhiều cơ hội.

Ông lớn thâu tóm, sáp nhập

Trước Tết Quý Tỵ, CTCP Hàng Tiêu Dùng Ma San (Masan Consumer) thuộc sự chi phối của Masan Group (MSN) đã hoàn tất xong thương vụ mua lại 24,9% cổ phần, tương đương hơn 2 triệu cổ phiếu của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo từ CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD).

Mức giá mua lại được cho biết là 85.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 240% so với mức giá được xác định ngay trước đó trên thị trường OTC.

Tập đoàn cũng thông tin cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mua tối đa 100% cổ phần của một công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư tối đa là 700 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan trong vài năm qua nổi tiếng với các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thực phẩm. Masan đã từng thâu tóm thành công Vinacafe Biên Hòa, mua lại mua lại 40% cổ phần CTCP Việt - Pháp Sản Xuất Thức Ăn Gia Súc (“Proconco”) với thương hiệu Con Cò.

Với mỗi thương vụ, Masan đã thực hiện được tham vọng lấp đầy những mảnh ghép trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng thông qua các hoạt động M&A.

Trong chiến lược kinh doanh, Masan ghi rõ sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng các thương vụ mua bán công ty, đồng thời phát triển các doanh nghiệp hiện tại. Theo đó, họ chỉ thực hiện các giao dịch nắm quyền kiểm soát với các doanh nghiệp mà tin tưởng có thể trở thành công ty dẫn đầu thị trường.

Mới đây, cũng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, CTCP Kinh Đô (KDC) thông qua việc thực hiện sáp nhập CTCP Vinabico chuyên về bánh kẹo. Gần cuối tháng 1-2013, CTCP Hùng Vương gây chú ý trên thị trường khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại cổ phần CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, tăng tỷ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31%.

Với việc nắm quyền chi phối ở Việt Thắng, Hùng Vương đã hoàn thành chu trình khép kín để tiết kiệm chi phí thức ăn nuôi trồng thủy sản. Trước đó, doanh nghiệp này đã từng nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thực phẩm Sao Ta, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang.

Mới đây, Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Rõ ràng, các thương vụ thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp của các “ông lớn” nhằm thực hiện chiến lược kinh doanh của mình đã được thực hiện một cách khá thuận lợi. Chưa bao giờ các thương vụ M&A lại được công bố có phần dày đặc như thời điểm hiện nay.

Cơ hội M&A nở rộ

Trong lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, thị trường đầu năm đã xôn xao với thương vụ M&A kỷ lục của ngành tài chính Việt Nam khi Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) mua 20% cổ phần Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với giá trị 15.465 tỷ đồng - tương đương 743 triệu USD.

Hiện tại, thương vụ hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVF) và Ngân hàng Western Bank đang chờ thực hiện mặc dù đã được bàn tới bàn lui trong năm qua. Thương vụ này nằm trong diện gần như bắt buộc vì quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) cũng thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó có nội dung là Tập đoàn Thiên Thanh sẽ nắm 9,67% vốn cùng với 20 cổ đông thể nhân khác nắm 74,37%.

Nhiều chuyên gia đưa ra dự báo, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong năm tới sẽ được thực hiện quyết liệt và việc một số ngân hàng yếu kém bị sáp nhập vào đơn vị khác là điều không thể tránh khỏi.

Bên cạnh ngân hàng, bất động sản là ngành tiếp theo đang đứng trước các cơ hội M&A lớn. Phần lớn doanh nghiệp bất động sản lâm vào trạng thái khó khăn nhất khi lượng hàng tồn kho lớn, áp lực lãi vay đè nặng và các quy định mới về kinh doanh bất động sản được siết chặt hơn.

Do vậy, việc chuyển nhượng các dự án đang đầu tư cũng đã được lường trước. Nhiều chuyên gia cho rằng M&A tại các doanh nghiệp đang cần tái cấu trúc mạnh như doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng là không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó lĩnh vực được xem là hấp dẫn khác như doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ cũng sẽ là đích ngắm của các nhà đầu tư.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2013. BSC nhận định chỉ những công ty nào có uy tín và kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án bất động sản, có tiềm lực tài chính mạnh, có cơ cấu sản phẩm đa dạng và phù hợp mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, những công ty có tình hình tài chính yếu hơn có thể rơi vào tình trạng phá sản hoặc bị thôn tính thông qua mua bán sáp nhập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG