Hà Nội: Nhà 3–5 triệu đồng/m2 là có thực

Hà Nội: Nhà 3–5 triệu đồng/m2 là có thực
Đầu xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết một thông tin vui, giá nhà ở khoảng 3 – 5 triệu đồng/m2 là có thực, người dân hoàn toàn có khả năng tiếp cận với giá nhà như vậy.

> 'Thị trường bất động sản sẽ chuyển biến tích cực hơn'

> Bộ Xây dựng bác tin '80% DN xây dựng, BĐS có lãi'

Trao đổi với báo chí nhân dịp đầu xuân, về việc nhìn lại 1 năm tập trung phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là một hướng đi đúng, vì nhiều người dân Việt Nam còn khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, nên tiếp cận nhà ở theo giá thị trường là rất khó khăn.

Quan trọng hơn, trong lúc thị trường bất động sản đang đóng băng như hiện nay thì việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản gắn với việc phát triển nhà ở xã hội giúp chúng ta giải quyết được nhiều việc.

Thứ nhất là người dân nghèo từng bước cải thiện nhà ở. Thứ hai, là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nếu họ hướng vào kinh doanh bất động sản. Cùng với đó sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến kinh doanh bất động sản như: doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ nội thất...

Một điều quan trọng nữa là khi phát triển nhà ở xã hội sẽ có nhiều sự hỗ trợ của nhà nước. Đây chính là gói kích cầu gián tiếp của Chính phủ để phát triển thị trường bất động sản, thay vì phải bỏ ra một gói tiền để đầu tư trực tiếp.

Như vậy, nó sẽ tháo gỡ khó khăn không chỉ cho hệ thống tín dụng, mà còn tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Do đó, tất cả người dân sẽ đều được hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Hà Nội: Nhà 3–5 triệu đồng/m2 là có thực ảnh 1

- Vậy thưa Bộ trưởng, cụ thể những chuyển biến trong 1 năm qua là gì?

Đó là những sự chuyển biến rất mạnh từ tư tưởng về chiến lược nhà ở đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đến những công cụ là chính sách cụ thể.

Đặc biệt là nghị định về nhà ở xã hội sắp được ban hành sẽ tạo ra môi trường để huy động các nguồn lực phát triển nhà ở nói chung, nhất là nhà ở xã hội. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã vào cuộc đăng ký để phát triển nhà ở xã hội.

Chắc chắn trong tương lai gần là cuối năm nay hoặc đầu năm 2014 sẽ có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội đưa ra thị trường và người dân sẽ từng bước tiếp cận được với loại hình này.

- Trên thực tế, sản phẩm nhà ở xã hội hiện nay chưa phải nhiều và các doanh nghiệp làm loại hình này chưa thực sự “mặn mà” vì lợi nhuận thấp, chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn; vậy theo Bộ trưởng, chúng ta phải hỗ trợ thêm các nguồn lực nào?

Đúng là trước đây nói đến làm nhà ở xã hội thì doanh nghiệp không hào hứng bởi vì làm nhà ở xã hội là làm nhà cho người nghèo, nên giá rẻ và lãi của doanh nghiệp thì ít.

Nhưng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội thì Bộ Xây dựng đã xây dựng Nghị định về phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó có những nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ cho người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội như: Miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi vay cho người dân mua nhà hay các chính sách giảm thuế VAT,…Tức là hỗ trợ cho người dân cả nguồn vốn và giá bán nhà cũng sẽ rẻ hơn so với giá thị trường.

Hiện nay, Nghị định này đã chuẩn bị được ban hành, khi được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để huy động các nguồn lực không chỉ từ nhà nước, mà huy động các nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội, người dân cũng có quyền tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Hà Nội: Nhà 3–5 triệu đồng/m2 là có thực ảnh 2

- Năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã đưa ra rất nhiều các gói hỗ trợ “giải cứu” thị trường bất động sản, nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về việc thực hiện các giải pháp này. Ví dụ như giải pháp chia nhỏ căn hộ liệu có hình thành khu “ổ chuột”? Hay việc nhiều doanh nghiệp không còn năng lực tài chính mà hỗ trợ thì có hợp lý không?

Việc chia nhỏ căn hộ mục đích là để khắc phục lệch pha của cung – cầu. Thị trường bất động sản phát triển là phải hướng vào người tiêu dùng, hướng vào nhu cầu thực, chứ không phải là làm những sản phẩm không có thị trường, không có người tiêu dùng.

Vì vậy, việc chia nhỏ căn hộ ở những dự án mà chưa thực hiện thì rất dễ, nhưng đối với các dự án đã đầu tư rồi thì phải phân loại ra; những dự án đã đầu tư rồi những mới xây xong thô thì điều chỉnh dễ hơn những dự án đã hoàn thành các căn hộ.

Tùy điều kiện cụ thể mà cho phép chia nhỏ căn hộ, nhưng phải được quản lý đúng với quy hoạch, tiêu chuẩn và được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép.

Vấn đề thứ hai là việc hỗ trợ vốn tín dụng cho các dự án bất động sản vay và kinh doanh phát triển nhà ở là việc bình thường của kinh tế thị trường, nhưng vấn đề chính là các dự án có tính thanh khoản, có người mua thì mới cho vay vì ngân hàng cũng phải có lợi, doanh nghiệp cũng phải có lợi và người mua thì phải đúng với nhu cầu thanh toán của mình.

- Cũng có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chộp giật, và như vậy nên để thị trường sàng lọc và để họ tự gánh chịu, thay vì giải cứu. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế vì bất động sản đóng băng như hiện nay là một “nút thắt” ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nhưng việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản phải xem xét giải quyết khó khăn cho hàng tồn kho bất động sản vì tồn kho bất động sản là rất lớn và nó chôn một lượng tiền lớn ở đấy, không luân chuyển được, nên giảm cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.

Vì thế chúng ta nhất thiết phải tháo gỡ. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tháo gỡ. Những doanh nghiệp mà sản phẩm hướng đúng vào người tiêu dùng đang có nhu cầu thì chúng ta hỗ trợ cho người ta vượt qua khó khăn. Còn những doanh nghiệp không đi đúng hướng thì họ sẽ buộc phải “trả giá” vì các định hướng sai lệch của mình.

- Theo Bộ trưởng, trong năm 2013, phân khúc nhà ở nào sẽ phát triển mạnh nhất?

Năm 2013 và những năm tiếp theo thì xu hướng chuyển đổi các dự án từ nhà ở thương mại quy mô lớn, đắt tiền sang nhà ở quy mô nhỏ, rẻ tiền, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân sẽ phát triển mạnh.

- Hiện các động thái chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội của các doanh nghiệp như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc đăng ký cả một dự án mới để phát triển nhà ở xã hội. Và lượng cung nhà ở xã hội trong những năm tới với các chính sách hỗ trợ như vậy chắc chắn sẽ phát triển ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

- Năm 2013 được đánh giá là năm của nhà giá rẻ, với những dự án trên dưới 300 triệu đồng/căn. Theo Bộ trưởng, điều này có thể thực hiện được không?

Hiện nay nhà ở giá rẻ trên dưới 300 triệu đồng/căn đã có ở khu công nghiệp Bình Dương hay sắp tới là ở Đồng Nai.

Ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác, xu hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ làm giá rẻ đi rất nhiều so với nhà ở thương mại cùng loại. Giá nhà ở khoảng 3 – 5 triệu đồng/m2 là có thực, người dân hoàn toàn có khả năng tiếp cận với giá nhà như vậy.


- Đã có nhiều gói giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, nhưng vẫn còn một số bất cập. Vậy làm thế nào để các chính sách dễ dàng đi vào cuộc sống và các doanh nghiệp có thể tận dụng phát triển nhà ở xã hội?

Để các giải pháp được thực hiện đồng bộ thì Bộ Xây dựng sẽ cùng với ngân hàng soạn thảo ra các tiêu chí cho vay đối với người mua nhà cũng như cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ cùng với Bộ Tài chính đề xuất các chính sách về thuế để báo cáo với Ủy ban thường vụ quốc hội hoặc báo cáo với Quốc hội thông qua.


- Nhân dịp đầu xuân năm 2013, thông điệp gì Bộ trưởng muốn gửi đến người dân để họ có niềm tin vào thị trường?

Chúng ta tin tưởng rằng phân khúc nhà ở xã hội sẽ ngày càng nhiều hơn và người dân nghèo, người thu nhập thấp sẽ ngày càng có nhiều khả năng tiếp cận với nhà giá rẻ, để đảm bảo cuộc sống tốt hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG