Hai hộ gia đình “mới” trên nóc khu tập thể Viện Hóa học Việt Nam. |
Cơi nới ban công, lắp “chuồng cọp”, xây “ba lô”, lấn vỉa hè, chiếm đất lưu không, vượt chiều cao quy định…, tất tật đã là chuyện “xưa như diễm”. Khi mỗi tấc đất, mỗi mét khối không khí đều quý như vàng, con người luôn có thêm những sáng kiến độc đáo...
“Nóng” chẳng kém giao thông
Các thành phố lớn như Hà Nội có 2 thứ làm cho hình ảnh đô thị trở nên lộn xộn, lem nhem nhất, đó là giao thông và nhà cửa. Tương tự như giao thông, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã xảy ra từ rất lâu với đủ hình thức, thể loại. Tương tự giao thông, nhà quản lý được cho là đã “cố gắng”, “nỗ lực” nhiều nhưng kết quả chẳng bao nhiêu. Đường phố chỉ ùn tắc vào giờ tan tầm nhưng nhà cửa xấu xí, chắp vá, trái phép thì lúc nào, ở đâu cũng thấy. Bên cạnh những cao ốc đẹp mắt mọc lên vẫn đầy rẫy những khu nhà cũ nát mặc sức phình to do người dân cơi nới, những công trình tự phát chắp vá, siêu mỏng, siêu méo, cái thò cái thụt… tạo nên bức tranh hổ lốn về nghệ thuật kiến trúc tổng thể.
Cuối tháng 5-2012, tại cuộc họp kiểm điểm tình hình công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, các cơ quan chức năng thừa nhận rằng tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao, khoảng lùi công trình… ở khu vực nội thành đang có xu hướng tái phát trở lại, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, nguyên nhân chủ quan là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn nhiều bất cập, các cơ quan chức năng xử lý chưa kịp thời, còn tình trạng “phạt, cho tồn tại”…
Công trình tại 55A-55B phố Bà Triệu là ví dụ dễ hiểu nhất cho sự tắc trách của chính quyền và thanh tra xây dựng. Tòa nhà đã được chủ đầu tư xây vượt 3 tầng so với cấp phép, qua bao nhiêu văn bản chỉ đạo xử lý, nhưng đến giờ vẫn chưa xong xuôi. Ngày 18/6, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội lại ra thêm văn bản yêu cầu các cấp dưới thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố tại gần chục công văn đã ra trước đó. Song, dường như các nhà quản lý về xây dựng, đô thị đang chú tâm nhiều hơn đến các công trình lớn. Những kiểu sai phạm “truyền thống” nhỏ nhặt như cơi nới, lấn chiếm ngày càng “đa dạng” hơn. Nhà cũ xuống cấp, lại chắp vá chằng chịt, mới thực sự là những phết màu xấu xí trên một bức tranh.
Điệp khúc cơi nới
Cơi nới ban công, lắp “chuồng cọp” ở các nhà tập thể cũ đã là chuyện “xưa như diễm”. Khảo sát một số khu chung cư “cao tuổi” trên địa bàn Hà Nội như Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Kim Liên, Văn Chương, khu tập thể ĐH Kinh tế quốc dân, khu tập thể Nhà máy In tiền… và phát hiện một số xóm trọ “bí ẩn” trên tầng 6 của các công trình… 5 tầng.
Chung cư bên cạnh Nhà máy In tiền quốc gia tại ngõ 30 Phạm Văn Đồng (huyện Từ Liêm) có 3 khu nhà A, B, C. Các công trình đều cũ nát, xuống cấp như mọi nhà tập thể có từ thời bao cấp rải rác khắp nội thành Hà Nội. Khu B1 có 5 tầng, đa số các căn hộ đã được chủ nhân gia cố, khá biệt lập với nhau. Cuốc bộ hết cầu thang tầng 5, chúng tôi thấy lối dẫn lên nóc khu nhà sạch sẽ một cách lạ lùng, bởi bình thường, khu vực tầng thượng thường chẳng có ai tới, chỉ là nơi tập trung bồn nước sinh hoạt với đường ống chằng chịt.
Tò mò đi lên, PV phát hiện có 2 phòng được xây sát nhau theo kiểu nhà trọ sinh viên. Ngay trước cửa phòng là hàng chục bồn nước inox bên cạnh những bể bê tông đầy rêu mốc. Nếu không tinh ý, chẳng ai ngờ được, trên nóc nhà tập thể cũ nát này lại có một xóm trọ “nhỏ xinh” tự ý mọc lên từ lâu. Hai căn phòng còn khá mới, có nhà vệ sinh khép kín. Người thuê phòng cho biết, mức giá cũng tương đối rẻ, chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng.
Tình trạng xâm chiếm nóc tập thể ở đây cũng không phải “hàng độc”. Tại khu C9 Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) có khá nhiều gia đình trên tầng thượng đã “lên tầng” bằng khung sắt lợp tôn. Ông Nguyễn Văn Yên – Tổ trưởng tổ dân phố bức xúc cho biết: “Cơi nới đã là sai rồi nhưng xây lên cả nóc tập thể thì rất khó chấp nhận, vì ảnh hưởng đến những hộ dân sống phía dưới, đấy là chưa kể đến những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự khác.”
Trên đường 32 đoạn qua thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm), người đi đường có thể dễ dàng phát hiện trên nóc nhà tập thể Viện hóa học công nghiệp Việt Nam có một ngôi nhà nằm trơ lơ giữa một đống ăng-ten vô tuyến, bồn nước…. Nhiều khu tập thể cũ rải rác khắp địa bàn Hà Nội cũng đang xuất hiện kiểu lấn chiếm này. Các công trình cơi nới để ở, thậm chí là xây rất quy mô như ở tập thể Nhà máy in tiền đã xuất hiện trên nóc các căn nhà quá cũ nát, vừa sai phạm, vừa tiểm ẩn những rủi ro về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… nhưng dường như những người có trách nhiệm chẳng ai biết.
Theo V.Nguyễn – N.Sương
Giadinh.net