'Trụ sở cũ của các bộ nên giao lại cho Hà Nội'

'Trụ sở cũ của các bộ nên giao lại cho Hà Nội'
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giao trụ sở cũ của các bộ ngành cho Hà Nội quản lý sẽ tránh được tình trạng lộn xộn quy hoạch và tiêu cực khi định giá bán những "mảnh đất vàng" giữa thủ đô.
Trụ sở Bộ Giao thông Vận tải nằm ở vị trí đắc địa trên phố Trần Hưng Đạo
Trụ sở Bộ Giao thông Vận tải nằm ở vị trí đắc địa trên phố Trần Hưng Đạo.

- Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 định hướng di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi khu vực nội đô. Ông nghĩ sao về kế hoạch chuyển trụ sở gần đây của một số bộ, ngành?

- Chúng ta phải xem mục đích di chuyển là gì, nếu trụ sở bộ ở vị trí chật chội việc di chuyển là đúng. Chính phủ từng dự định đưa trụ sở bộ, ngành lên Ba Vì, sau đó lại tập trung vào khu vực Mỹ Đình và Tây Hồ Tây. Hiện nay bộ Công an, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ... đã chuyến đến các khu vực này.

Di chuyển trụ sở các bộ tương tự như việc di dời các đại học, bệnh viện ra khỏi thủ đô. Theo tôi, phải coi đây là đề án của Nhà nước, việc bố trí phải có tổ chức, chỉ đạo chứ không phải mạnh ai lấy lo, trụ sở bộ xây quy mô như thế nào phải có xét duyệt.

Tôi thấy các nước rất coi trọng quy hoạch trụ sở bộ, ngành. Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga là một trong 10 kiến trúc đẹp trên thế giới, từ xa, ai cũng biết đó là Bộ Ngoại giao nhờ những nét kiến trúc đặc trưng.

- Khi chuyển trụ sở mới, theo ông các trụ sở cũ của các bộ, ngành nên được giải quyết thế nào?

- Theo tôi, khu đất cũ của các bộ ngành nên giao lại cho Hà Nội quản lý và trừ tiền sử dụng đất vào ngân sách của Hà Nội. Thủ đô có ngân sách rất lớn, hàng năm vẫn phải nộp cho nhà nước. Ngược lại, nếu Chính phủ xây dựng trụ sở bộ ngành mới cũng sẽ lấy đất của Hà Nội nên cũng phải trả tiền sử dụng đất cho thành phố. Việc thẩm định giá sẽ do Bộ Tài chính thực hiện.

Còn việc sử dụng trụ sở cũ của các bộ như thế nào thì Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Hà Nội để tìm phương án phù hợp. Hà Nội sẽ xác định khu vực này có thể là trụ sở các sở, ngành của thành phố, khách sạn, công viên, nhà trẻ, trường học, thậm chí là nhà đỗ xe cao tầng... Nếu Hà Nội không sử dụng lô đất đó thì phải bán đấu giá, phải qua cạnh tranh mới có giá thực sự, nếu không người dân sẽ không biết giá thực là bao nhiêu.

- Một luồng quan điểm khác cho rằng nên để các bộ chủ động phương án bán - xây trụ sở mới, theo cơ chế thị trường. Ông nghĩ sao về phương án này?

- Theo tôi, nếu giao cho từng bộ ngành tự xử lý trụ sở cũ - mới, sẽ sinh ra lộn xộn trong quy hoạch. Trụ sở các bộ là tài sản công chứ không phải của riêng bộ, các bộ có lúc tách hoặc sáp nhập song trụ sở vẫn là của nhà nước.

Tiền xây trụ sở phải trích từ ngân sách Chính phủ. Hàng năm Chính phủ đều có nguồn ngân sách đầu tư công, song vì ngân sách còn eo hẹp nên cần xây dựng theo thứ tự, trụ sở nào cần chuyển đổi trước thì phải xây dựng trước, chứ không nên ào ào xây mới. Vừa qua, Chính phủ đã xây mới trụ sở Bộ Nội vụ, Thanh Tra Chính phủ...

- Bộ Giao thông Vận tải vừa được chấp thuận bán trụ sở và một trong số các phương án là bán cho một công ty cổ phần để lấy một tòa nhà văn phòng do công ty này đầu tư tại quận Cầu Giấy. Ông nói gì về phương án trên?

- Chúng ta phải xem trụ sở cũ và trụ sở mới giá bao nhiêu và ai thẩm định. Theo tôi, việc thẩm định giá theo thị trường không thể chính xác vì thị trường bất động sản lên xuống. Khi không có chuyên môn về bất động sản thì có thể bị lỗ hoặc nảy sinh tiêu cực.

Về lý thuyết, doanh nghiệp sau khi mua trụ sở không thể tự ý chuyển đổi mục đích, việc xây dựng công trình sau này phải có giấy phép xây dựng. Song thực tế họ sẽ có phép xây dựng nếu đi "cửa sau". Do vậy, theo tôi không nên bán cho doanh nghiệp, bán trụ sở là vấn đề lớn nên cần quản lý của nhà nước.

- Trụ sở cũ của các bộ ngành đều nằm ở vị trí đắc địa. Theo ông, nên làm thế nào để việc di dời trụ sở đảm bảo tính minh bạch, hài hòa lợi ích?

- Chính phủ nên giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng hoặc giao cho Ban chỉ đạo Nhà nước nhà ở, thị trường bất động sản lên quy hoạch và kế hoạch. Ban này sẽ tìm vị trí cho từng bộ và thời điểm di chuyển, cơ quan nào đi trước, đi sau. Trụ sở mới phải được xây dựng hiện đại, có thể tồn tại 50-70 năm mà không lạc hậu, đây là cơ quan Chính phủ nên phải chấp nhận tốn kém.

Di dời trụ sở các bộ là chuyện lớn mà nhà nước phải làm chủ, có kế hoạch, nếu khoán trắng cho từng bộ thì dễ phát sinh tiêu cực như bài học định giá đất đai, tài sản khi cổ phần hóa trước đây.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG