Liên tục mấy tháng nay, anh Lê Văn Nguyên (Đống Đa, Hà Nội) bị nhân viên Công ty Bất động sản NC giục xuống ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cao cấp tại dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế. Thoái thác nhiều lần, cuối cùng, anh Nguyên phải thú thật là không còn tiền để đóng cho đủ 70% tổng giá trị hợp đồng cho doanh nghiệp NC.
Anh Nguyên chua chát: “Giá đâu có rẻ, 1.450 USD/m2. Hai năm trước, tưởng mua xong là lướt sóng kiếm chút ít nhưng hóa ra tự đeo cùm vào chân. Hơn một tỷ đồng chết dí ở đó không thể rút ra được. Gạ gẫm khắp nơi mà không ai mua. Cứ nghe thấy “cao cấp” là khách hàng bỏ chạy”.
Hiện nay, những người đang “ôm bom” cao cấp như anh Nguyên khá nhiều. Với mức giá phổ biến từ 1.500 USD đến trên 2.000 USD, các căn hộ chung cư cao cấp nằm trong khoảng giữa vành đai II và vành đai III Hà Nội đang là cơn ác mộng đối với họ mỗi dịp tới hạn đóng tiền.
“Cứ giật mình thon thót vì ít ngày lại có nhân viên sàn giao dịch gọi điện, thúc tới đóng tiền. Lấy đâu ra mà đóng cho họ, đành chấp nhận trả lãi cho họ thôi. Không dưng vừa chết vốn lại vừa phải đóng lãi hàng tháng cho khoản nợ không biết tới bao giờ mới trả...” - anh Nguyên than vãn.
Bình luận về trào lưu xây chung cư cao cấp ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, ở giai đoạn đầu của phát triển nhà ở, doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng vào nhà cao cấp, tức là trông vào người có tiền. Song, quy luật là trong xã hội chỉ có khoảng 20% là người có tiền, còn 80% là những người đủ sống thôi. Thế nên, chạy quá mức theo phân khúc cao cấp, căn hộ to 180m2 - 200m2 thậm chí lớn hơn nữa, với mức độ hoàn thiện rất cao, đã dẫn tới những hệ quả tai hại về sau.
Ông nói: “Đúng là một số người có tiền mua nhà, thậm chí, có người đủ tiền mua vài cái. Nhưng lượng khách hàng đó ít thôi. Vậy nên chạy theo phục vụ số ít là chưa đúng. Cách đây 2 năm, tôi đã cảnh báo các doanh nghiệp phải đi vào phân khúc 80% mới đúng. Bởi chắc chắn “cao cấp” sẽ ế”.
Cao cấp nửa mùa
Bản thân cái gọi là chung cư cao cấp ở Hà Nội hiện nay cũng chỉ là khái niệm mơ hồ, rất khó xác định. Đa số doanh nghiệp đầu tư theo tâm lý đám đông, cứ có miếng đất nào là làm nhà cao cấp. Thế mới xảy ra tình trạng hàng hóa thiếu vẫn thiếu, mà thừa vẫn thừa. Rõ ràng, người nghèo thiếu nhà, cán bộ, viên chức thiếu nhà nhưng nhiều khu nhà ở, khu đô thị lại không có người ở.
“Cho nên nói thừa nhà, ế nhà là chưa chuẩn xác, phải nói là thừa phân khúc cao cấp, biệt thự; thiếu phân khúc quy mô trung bình và nhỏ cho số đông” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, một thời, có tình trạng doanh nghiệp xin miếng đất nào là cho miếng đất đó nên manh mún, không có sự khớp nối về hạ tầng với nhau. Đặc biệt với những dự án quy mô nhỏ, nhà đầu tư cũng không có quy mô dân số để làm hạ tầng cho đàng hoàng. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều khu không có người ở vì không có hạ tầng.
Ông nói: “Quy hoạch của mình không đi trước, đáng lẽ anh phải hình thành quy hoạch vùng phát triển, anh đầu tư hạ tầng… Ở Hà Nội, Mễ Trì, Mỹ Đình, Nam Trung Yên… có nối với nhau đâu, bản chất là đơn lẻ. Đường sá, kiến trúc, hạ tầng riêng biệt không hình thành được một đô thị lớn”.
Quan trọng hơn nữa, nhiều địa phương hiện nay phát triển nhà ở không có kế hoạch. Các tỉnh, thành phố không điều tra được trên địa bàn tình hình nhà ở thế nào? Nhu cầu ra sao? Người giàu bao nhiêu, người nghèo bao nhiêu? Trên cơ sở đó, mỗi năm sẽ đáp ứng được bao nhiêu nhà ở? Cần quỹ đất, nguồn lực như thế nào?
Theo các chuyên gia xây dựng, nếu thiếu nguồn lực, thay vì xây một căn hộ cao cấp quy mô lớn, có thể xây 5 căn hộ quy mô trung bình và nhỏ. Như vậy, cũng quỹ đất ấy, có thể đáp ứng được nhu cầu của số đông, là nhu cầu để ở thật.
Đáng buồn là, tới thời điểm này, khi xu hướng thị trường đã quá rõ, những nhà đầu tư như anh Nguyên và rất nhiều doanh nghiệp khác đã không còn kịp “rút chân”. Cái mác “cao cấp” sẽ còn ám ảnh họ trong nhiều năm tới.
Theo Ngọc Khánh
An ninh Thủ đô