In máy bay bằng công nghệ 3D

In máy bay bằng công nghệ 3D
TPO - Đây là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được tạo ra bởi công nghệ đột phá, in 3D. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Southampton (Anh) đã có những chuyến bay thử nghiệm thành công. Đặc biệt, máy bay mô hình này được sản xuất chỉ bằng máy tính, nhưng vẫn có thể đạt tốc độ bay 160km/h và cánh dài tới 2m.
In máy bay bằng công nghệ 3D ảnh 1

Được biết, một chiếc máy in laze nylon đặc biệt được sử dụng để tạo ra từng lớp của chiếc máy bay trước khi dựng lên hình hài hoàn chỉnh. Trong khi đó, những phần khác của máy bay được sản xuất riêng biệt và được lắp vào thân máy bay rất đơn giản trong vòng vài phút mà không cần tới bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào.

Tất nhiên, đây chính là phương pháp sản xuất máy bay nhanh nhất trong lịch sử loài người (tính đến lúc này). Công nghệ đột phá này do nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu thiết kế và chế tạo trên máy vi tính, Đại học Southampton (Anh) thực hiện, hứa hẹn là giải pháp tối ưu cho các nhà sản xuất máy bay chuyên nghiệp.

In máy bay bằng công nghệ 3D ảnh 2

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu tạo ra những thiết kế nguyên mẫu chiếc máy bay trên máy tính, sau đó đặt lệnh cho chiếc máy in tạo ra máy bay với độ dày từng lớp là 100 micrometers. Bột thép, nhựa hay titanium được sử dụng làm nguyên liệu để tạo nên sản phẩm, còn sức nóng của laser giúp gắn chặt các lớp với nhau.

Chiếc máy bay mô hình chạy điện này có thể bay mà gần như không tạo ra tiếng ồn, đồng thời được trang bị hệ thống bay tự động cỡ nhỏ. Các nhà khoa học cho biết, công nghệ “in 3D” cho phép họ thiết kế hình dáng và cấu trúc của chiếc máy bay dễ dàng hơn, trong khi những kỹ thuật tương tự hiện nay hao tốn rất nhiều chi phí. Hơn nữa, công đoạn này có thể được hoàn thành trong vài tuần thay vì vài tháng.

In máy bay bằng công nghệ 3D ảnh 3

Mặt khác, công nghệ “in 3D” không cần sử dụng các công cụ trong khi sản xuất, nhưng vẫn cho phép thay đổi kích cỡ mà không tốn thêm chi phí.

In máy bay bằng công nghệ 3D ảnh 4

Giáo sư Jim Scanlon, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cùng giáo sư Andy Keane, cho biết: “Công nghệ này cho phép các nhóm thiết kế tái sinh những ý tưởng và kỹ thuật trước đây chưa thể thực hiện được do chi phí quá cao khi sử dụng công nghệ sản xuất thông thường”.

Gia Bảo
Theo DailyMail

Theo Dịch
MỚI - NÓNG