Thông đỏ trồng tại Cam Ly |
Thạc sĩ Vương Chí Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt (thuộc Cty Cổ phần Y Dược phẩm) cho biết, từ mười năm trước, đã từng di thực thông đỏ từ rừng Lâm Đồng về vùng sông Hinh (Phú Yên) nhưng cây bị chết yểu.
Ông mạo hiểm thuê 3.000m2 đất rồi hạ sơn loài cây này từ độ cao 1.300 – 1.500m xuống 940m ở thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Thạc sĩ Hùng lại cùng các cộng sự nghiên cứu trồng thông đỏ ở Tà Nung và Cam Ly (Đà Lạt) – nơi có độ cao tương ứng với địa điểm xuất hiện quần thể thông đỏ tự nhiên.
“Tuy cùng một quần thể nhưng những cây thông đỏ tự nhiên có hàm lượng 10 – DAB và taxol khác xa nhau, hàm lượng các hoạt chất này mang tính di truyền nên phải chọn lọc kỹ các dòng cho hoạt chất cao để nhân giống, gây trồng nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn dược liệu khai thác sau này” – Thạc sĩ Lê Thị Hạnh nói.
Kỹ sư Lê Xuân Tùng cùng một số nhà khoa học đã lặn lội thu thập gần 30 dòng thông đỏ từ những cây cổ thụ cả ngàn năm tuổi ẩn mình trên những sườn núi hoặc chênh vênh bên khe suối chốn rừng sâu. Và, với sự hỗ trợ của cơ quan nghiên cứu dược liệu, Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt đã định tính, định lượng hoạt chất sinh học để chọn lọc 9 dòng thông đỏ và xác định cấu trúc DNA của những dòng này để sản xuất những cây giống cho hàm lượng 10 – DAB và taxol cao.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt, hơn 200.000 cây thông đỏ ở Đà Lạt đã phát triển tốt, tích lũy hoạt chất sinh học quý giá nhờ được chăm sóc với quy trình kỹ thuật thích hợp.
“Khi giao đề tài “Nghiên cứu công nghệ chiết xuất hoạt chất sinh học từ thông đỏ và dừa cạn” thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước 2007 – 2010 cho Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt, Bộ Khoa học& Công nghệ không khỏi băn khoăn liệu có đủ nguyên liệu để nghiên cứu? Thế nhưng, đến nay, chúng tôi đã nhân giống và trồng được 5 ha thông đỏ” - Thạc sĩ Hùng phấn khởi nói - “Hơn thế, từ nguồn nguyên liệu này, Trung tâm đã phối hợp nghiên cứu và chiết xuất được hoạt chất 10 – DAB.
Mục tiêu của đề tài là đến năm 2010 sẽ chiết xuất 0,5kg 10 – DAB và 10g taxol từ lá và cành non thông đỏ nhưng với nguồn nguyên liệu dồi dào, quý giá tại Đà Lạt, có thể chiết xuất lượng 10 – DAB cao hơn nhiều. Hiện chúng tôi đang tiến hành công đoạn bán tổng hợp chất taxol”.
Với bốn đề tài nghiên cứu khoa học về cây thông đỏ, Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt đã có thành công bước đầu, mở ra triển vọng trong việc sản xuất thuốc điều trị một số bệnh ung thư vốn chỉ được điều trị bằng thuốc ngoại nhập rất đắt tiền.
Tiến sĩ Munekazu Iinuma - Hiệu trưởng Đại học Gifu Pharmaceutical (Nhật) rất phấn khởi khi tham quan thông đỏ ở Lâm Đồng. Ông nói: Thông đỏ Hymalaya (Taxus Wallichiana) ở Việt Nam là một trong những loài có hàm lượng hoạt chất 10 - DAB cao nhất thế giới nhưng nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (có tên trong Sách Đỏ – PV) bởi chỉ còn khoảng một trăm cây ở rừng Lâm Đồng, do đó không thể chỉ trông chờ vào thông đỏ tự nhiên mà phải khẩn trương nhân giống, gây trồng quy mô lớn. Tuy nhiên, do loài cây này không chỉ khó nhân giống mà còn đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe về khí hậu, thổ nhưỡng… để phát triển nên hiện chỉ có vài quốc gia trồng được thông đỏ, trong đó có Việt Nam. Tôi cùng giám đốc một doanh nghiệp từ Nhật sang đây tìm kiếm cơ hội để hợp tác nghiên cứu và sản xuất dược liệu chữa ung thư. |