Sát thủ của dugong treo lưới

Sát thủ của dugong treo lưới
TP - Dugong là loại thú biển quí hiếm, nằm trong sách đỏ thế giới, nhưng đang dần bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ. Trong số khoảng 1.000 con dugong bị sát hại trên vùng biển Phú Quốc, gia đình ông Khanh đã làm thịt gần 500 con.
Sát thủ của dugong treo lưới ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Khanh với kỷ niệm cuối cùng của thời săn bắt dugong

Ngư phủ Nguyễn Văn Khanh, ngụ tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang), người được mệnh danh là sát thủ của dugong. Nhưng nay, ông đã giã từ biển cả, trở thành một tuyên truyền viên trong chương trình bảo vệ các loại động vật biển quí hiếm của tổ chức Quĩ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Những chuyến lênh đênh trên biển săn nàng tiên cá thời trai trẻ của ông và gia đình giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Kỷ niệm cuối cùng ông còn lưu giữ là cặp nanh của một con dugong nặng gần 800 kg.

Mân mê cặp nanh, ông kể: “Cha tôi cũng là một người săn dugong có tiếng trên đảo Phú Quốc với trên 200 con. Tôi thì từ năm 19 tuổi (1984), đã lên tàu nối nghiệp cha, đến ngày treo lưới khi có lệnh cấm đánh bắt vào năm 2002, đã có trên 200 con dugong dính lưới của tôi”.

Có những chuyến ra khơi ông Khanh và các ngư phủ đi cùng, đánh bắt đến sáu con dugong. Lần đánh bắt được con 800 kg, khi kéo lên suýt nữa bị chìm ghe. Đánh bắt dugong là một nghề, công cụ chuyên dùng là loại lưới quàng dài vài trăm thước, cao khoảng 2,5m.

Sát thủ của dugong treo lưới ảnh 2

Đầu của dugong tìm thấy ở một nhà dân tại xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang) - Ảnh: Hồng Lĩnh

Trước năm 2002, việc săn bắt dugong ở Phú Quốc không bị ngăn cản. Phú Quốc lúc đó có năm, sáu người chuyên săn bắt dugong, nhưng sự nghiệp của họ chỉ đánh bắt được vài chục con mỗi người.

Người săn bắt dugong phải biết được đặc điểm sinh hoạt, qui luật di chuyển (theo mùa) của chúng. Thức ăn chính của dugong là cỏ biển. Vì thế, thợ săn cũng phải biết đâu là đồng cỏ tươi tốt, ưa thích của dugong dưới đáy biển để buông lưới. Không phải ai cũng có thể đánh bắt được loài động vật quí hiếm dưới nước này vì nó khá tinh khôn.

Dugong sau khi đánh bắt được xẻ thịt mang ra chợ bán như bán cá. Bộ xương của dugong được nhiều người săn mua vì người ta đồn ăn nó cường dương. Chẳng biết hiệu quả đến đâu nhưng lời đồn thổi đã hại dòng giống dugong. Lại còn truyền, da dugong có công dụng chữa bao tử, mỡ chữa vết bỏng, xương mài cho trẻ em uống giảm sốt.

Đôi mắt đượm buồn nhìn ra biển vùng biển Tây Nam, ông Khanh nói như một lời sám hối: “Số lượng dugong bị săn bắt trên đảo Phú Quốc này trong mấy chục năm qua phải đến cả ngàn con, trong đó gia đình tôi qua hai đời đã săn bắt bán thịt gần 500 con. Thật đáng tiếc khi ngư dân chúng tôi không có được hiểu biết”.

Theo lời của ông Khanh, từ lúc ông giã từ biển cả vào năm 2002 đến nay, khi có lệnh cấm săn bắt dugong của chính quyền, loài động vật quí hiếm này đã có dấu hiệu hồi sinh. Nhiều ngư dân, trong đó có em của ông đã bắt gặp dugong bơi lượn trên biển Hàm Ninh, Phú Quốc. Qua tuyên truyền, vận động của ông Khanh, những người làm nghề lưới quàng trên đảo đã chuyển đổi, không đánh bắt dugong nữa.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng dugong trên vùng biển Phú Quốc vẫn bị sát hại bởi những ngư dân dùng cào bay, một loại hình đánh bắt mang tính hủy diệt bị nghiêm cấm, nhưng vẫn lén lút hoạt động. Biển cả mênh mông, không có lực lượng nào có thể kiểm soát hết, trong khi ý thức tự giác của dân địa  phương chưa cao. 

MỚI - NÓNG