Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 100.000 người, 250.000 người bị tàn tật suốt đời chết vì rắn cắn, nhưng những thống kê này dường như không làm anh Steve Ludwin sợ. Trong suốt 23 năm qua, tuần nào anh cũng tiêm nọc độc của một loài rắn thuộc hàng độc nhất thế giới nhằm rèn luyện sức đề kháng của cơ thể.
Bằng cách tăng dần liều lượng tiêm, anh tin rằng một ngày nào đó, anh có thể miễn dịch không chỉ với nọc rắn mà còn với nhiều virus khác. Steve hiện đang có 23 loài bò sát nguy hiểm trong nhà nhưng anh vẫn luôn tìm kiếm những loài rắn độc khác trên khắp thế giới.
Cánh tay bị sưng sau khi tiêm nọc rắn. |
Tờ Bizarre Magazine trích lời anh: “Tôi ngưỡng mộ những con rắn vì vẻ đẹp và sự lạnh lùng của chúng. Tôi cũng ngưỡng mộ sức mạnh của loài bò sát này. Tôi không thể giải thích về việc tôi nghiện tiêm nọc rắn đến vậy, tôi yêu rắn ngay từ khi tôi vừa sinh ra”.
Tình yêu đó bắt đầu bộc lộ rõ ràng khi anh lên 9 tuổi, sau một lần gặp gỡ tiến sỹ Bill Haast, môt chuyên gia về rắn và là người đầu tiên tự tiêm nọc rắn vào cơ thể. Ông Haast qua đời vào năm 2011, thọ 100 tuổi, nhưng theo một số nguồn tin, ông là “một điển hình về sức khỏe” ngay cả trong những ngày cuối đời.
Đến năm 17 tuổi, anh Ludwin bắt đầu học theo ông Haast, tiêm nọc rắn vào người. Anh chia sẻ: “Khi đó tôi ở nhà một mình, nghe nhạc, bỗng nhiên trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ. Một điều gì đó mách bảo tôi rằng tôi phải tiêm nọc rắn. Cảm giác đó tôi không tài nào giải thích được”.
Tuy nhiên, anh không vội vã tiêm ngay nọc rắn. Anh làm việc ở một phòng thí nghiệm ở Walthamstow, London và bắt đầu đem rắn về nhà để thử nghiệm. Đầu tiên, anh bôi nọc rắn lên da rồi rửa ngay khi cảm thấy bỏng rát. Sau đó, anh bắt đầu tiêm vào cơ thể với liều lượng tăng dần.
Anh cũng không ít lần gặp tai nạn vì sở thích đặc biệt này. Anh Ludwin từng phải trải qua thời gian chăm sóc đặc biệt sau khi dùng quá liều 3 loại nọc độc khác nhau, từng bị đau tim do nọc rắn hổ mang gây ra và chân từng bị liệt tạm thời.
Phan Yến
Theo ODD