Nam Phi: Lo lắng vì nạn cướp tóc

Nam Phi: Lo lắng vì nạn cướp tóc
TP - Gần đây, anh Jack Maseko bị ba người đàn ông Nam Phi chặn lại. Chúng không cướp gì khác ngoài chiếc điện thoại di động và mái tóc dài tết thành nhiều lọn nhỏ mà anh phải nuôi suốt 3 năm.

> Sắm 'mẹc' mua 'Au đì' nhờ mua bán tóc

“Chúng mang theo dao và cắt tóc của tôi bằng kéo. Nghĩ lại đêm hôm đó tôi vẫn thấy đau”, anh Maseko, người Zimbabwe, kể lại vụ anh bị cướp tóc khi đang trên đường về nhà ở Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi, lúc đêm khuya. “Trước đây, tôi thường thấy người ta bán nhiều bó tóc trên phố và tôi không biết chúng từ đâu ra”.

Những người như anh Maseko phải mất nhiều năm mới nuôi được mái tóc dài, nhưng nhiều người không muốn đợi lâu như vậy mà chỉ muốn có tóc dài ngay lập tức, và dịch vụ nối tóc được mở ra nhan nhản để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Bọn trộm tóc ra tay rất nhanh và đôi khi cướp một cách thô bạo bằng cách dùng cả dao hoặc mảnh thủy tinh vỡ để cắt tóc nạn nhân. Nhóm cướp tóc hoạt động chủ yếu ở Johannesburg, nay đã lan sang thị trấn ven biển Durban và KwaZulu-Natal.

Mớ tóc dài ngang vai thường được bán với giá 200 rand (gần 500.000 đồng), tóc dài ngang lưng có giá tương đương 1,6 triệu đồng, còn tóc dài hơn nữa thì có thể lên tới gần 5 triệu đồng.

Thợ làm tóc thường nối tóc bằng phương pháp đan tết bằng một sợi chỉ mảnh, giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu có mái tóc dài ngay lập tức.

Đây là phương pháp khá mới, nên các thợ làm tóc vẫn chưa tích lũy được nhiều mớ tóc, khiến thị trường trở nên cạnh tranh hơn và tiệm nào có nhiều tóc thì đông khách.

Người dân Nam Phi biết về hiện tượng cướp tóc sau trường hợp một công dân Zimbabwe tên là Mutsa Madonko bị cướp mái tóc mà anh đã nuôi suốt 10 năm. Anh bị bọn cướp cạo trọc ở gần một câu lạc bộ đêm tại Johannesburg. Vụ việc gây xôn xao trên cả nước vào tháng trước.

Anh Andile Khumalo phải đội mũ để giảm nguy cơ bị cướp tóc
Anh Andile Khumalo phải đội mũ để giảm nguy cơ bị cướp tóc .

Một thợ làm tóc tên là Andile Khumalo có dịch vụ làm tóc ngay trên vỉa hè một con phố nhộn nhịp ở trung tâm Johannesburg. Lúc nào, ba chiếc ghế trong tiệm của anh cũng có khách ngồi, cho thấy tiệm tóc đang làm ăn tốt.

“Trong sáu tháng qua, tôi nghe thấy nhiều trường hợp bị cắt tóc giữa đường. Tình hình đang tệ hơn và cần phải có hành động gì đó”, anh Khumalo nói.

“Tôi thấy lo khi đi ngoài đường, đặc biệt là ban đêm. Tôi luôn phải đội mũ che đầu. Thật đáng sợ vì bạn sẽ không biết khi nào tóc mình bị cắt. Chúng cực kỳ thô bạo”, anh nói.

Chưa rõ tại sao người châu Phi thích tết tóc thành từng lọn nhỏ. Có thể truyền thống này liên quan phong trao tôn giáo và chính trị Rastafari ở Jamaica hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng ở châu Phi có truyền thống này từ lâu đời.

Nhiều người nuôi tóc dài rồi tết lại thành lọn là để giữ truyền thống dân tộc, văn hóa hoặc tín ngưỡng giống như các chiến binh Maasai của Kenya với những lọn tóc tết màu đỏ. Nhưng đối với nhiều người khác trên thế giới, mái tóc tết thành nhiều lọn nhỏ chỉ có ý nghĩa thời trang.

Phụ nữ ở Namibia thường lấy đất sét đỏ phủ lên các lọn tóc của mình, và kiểu tóc của họ cũng nói lên tình trạng hôn nhân hoặc tuổi tác.

Ở Đông Phi, đàn ông Maasai có những lọn tóc dài và mỏng được nhuộm đỏ bằng tinh chất rễ cây, đất và dầu hải ly hương. Phụ nữ Turkana cũng có lọn tóc dài, còn đàn ông thì cạo trọc.

Bình Giang
Theo BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.