> Mong Tiền Phong luôn tiên phong
Phần 1: Ra đời trong kháng chiến
Báo Tiền Phong chính thức ra số đầu tiên vào ngày 16/11/1953, nhưng trước đó Đoàn Thanh niên Cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và Tổng Đoàn Thanh niên Việt Nam, trong từng thời kỳ, đã có một số tờ báo, tạp chí phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền. Những ấn phẩm này có thể coi là tiền thân của báo Tiền Phong.
Ảnh các cán bộ báo Tiền Phong và T.Ư Đoàn với thiếu niên địa phương (khoảng năm 1954). Từ phải sang: Nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tôn Đức Lượng (đội mũ), ông Thành (người mặc áo tối màu, đội mũ) - Nhân viên đánh máy cơ quan T.Ư Đoàn vẫn đánh máy bản thảo cho báo Tiền Phong, biên tập viên Lê Quân, liên lạc Mai Văn Hậu, nhân viên Tôn Sơn (đội mũ). |
Trước hết phải kể đến báo Hồn Nước - cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc, xuất bản bí mật từ tháng 1/1945. Báo có cơ sở in riêng chỉ có 2 người, in kỹ thuật li-tô rất thô sơ lúc đầu đặt ở làng Mọc sau chuyển tới làng Canh. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hồn Nước ra công khai, chỉ in 2 trang khổ lớn, mỗi tuần hai kỳ vào thứ tư và chủ nhật. Từ tháng 9/1945 đến tháng 4/1946, Hồn Nước ra được 30 số, sau đó phải dừng vì lý do tài chính.
Kế tiếp Hồn Nước là báo Xung Phong, do Tổng Đoàn Thanh niên Việt Nam xuất bản từ tháng 6/1947 tại Bắc Kạn. Người được chỉ định làm thư ký tòa soạn là đồng chí Nguyễn Hữu Dụng (sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục). Báo có xưởng in riêng. Báo ngừng in tháng 10/1947 do các cơ quan phải đi sơ tán tránh cuộc tiến công lên Việt Bắc của quân Pháp.
Đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư T.Ư Đoàn TN Cứu quốc, người chỉ đạo trực tiếp việc thành lập báo Tiền Phong. |
Báo Sức Trẻ, cơ quan ngôn luận của Tổng Đoàn Thanh niên Việt Nam xuất bản từ đầu năm 1949. Thư ký tòa soạn của báo là đồng chí Nguyễn Anh Chấn, tức nhạc sĩ Tử Phác. Báo Sức Trẻ chỉ ra được khoảng 15 số thì phải dừng vì xưởng in ở chiến khu bị cháy.
Cũng vào khoảng thời gian đầu năm 1950, T.Ư Đoàn Thanh niên cứu quốc ra tạp chí Tiền Phong, nhưng các số cũng chỉ thưa thớt.
Trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám, tuổi trẻ còn có các tờ Gió Mới của Tổng hội Sinh viên Cứu quốc, Gió Biển của tổ chức “Thanh niên cần lao” ở Hải Phòng, Xung Phong của Thanh niên Hà Nam (do nhà văn Nam Cao làm chủ bút). Nhưng các tờ báo này cũng không tồn tại được lâu do điều kiện khó khăn lúc bấy giờ.
Một số tờ báo, trong đó có báo của Tổ chức Thanh niên giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. |
Ra đời trong những năm đầu cách mạng và khói lửa của cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược, báo chí của Đoàn Thanh niên cứu quốc giai đoạn đầu này đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên. Các tờ Hồn Nước, Xung Phong, Sức Trẻ và tạp chí Tiền Phong là người bạn đồng hành của thanh niên trong những ngày kháng chiến gian khổ, ác liệt nhưng đầy lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Báo chí của Đoàn và Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã truyền vào thanh niên lý tưởng cách mạng, nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cách mạng. Nhưng do điều kiện khó khăn đặc biệt của những ngày đầu cách mạng và kháng chiến, các ấn phẩm đó đều lần lượt phải dừng xuất bản. Sau khi tạp chí Tiền Phong dừng in, Đoàn Thanh niên Cứu quốc không còn cơ quan ngôn luận của mình.
Tháng 3/1950, Đại hội Đoàn lần thứ nhất được tổ chức ở khu rừng thuộc xã Cao Vân (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Đại hội bầu chính thức đồng chí Nguyễn Lam làm Bí thư T.Ư Đoàn Thanh niên Cứu quốc.
Trong Đại hội Đoàn, nhà in của Trung ương Đoàn ở Đại Từ (Thái Nguyên) bị cháy. Sau Đại hội, do không có nhà in nên không thể ra báo. Đồng chí Nguyễn Lam luôn luôn canh cánh chuyện Đoàn phải có một tờ báo. Nhưng điều kiện không cho phép nên mãi đến đầu năm 1953, đồng chí Nguyễn Lam giao cho đồng chí Nguyễn Thanh Dương, người đang phụ trách Khu Đoàn I (gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên) nhiệm vụ chuẩn bị để sớm ra một tờ báo. Sau một quá trình chuẩn bị, cuối cùng, ngày 16/11/1953, tờ báo Tiền Phong đầu tiên ra đời.
(Còn nữa)