> Cử nhân “học” làm công nhân
> Thạc sĩ trông quán cà phê, phụ xe...
LÃNG PHÍ
Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Cái Răng (TP Cần Thơ) có 12 phòng và 20 cán bộ công nhân viên. Đủ các phòng học, thiết bị, thư viện, tin học nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ mở được 3 lớp tin học, 6 lớp bổ túc văn hóa cấp 3 với tổng cộng 180 học sinh.
Phó GĐ Mã Phùng cho biết, rất khó thu hút học sinh, không khai thác hết số phòng hiện có nên đang cho Phòng LĐ-TB&XH huyện mượn để cất thiết bị dạy nghề (may công nghiệp, may gia dụng, sửa xe gắn máy, kỹ thuật trồng hoa kiểng, xây dựng, mộc, tin học, điện), gần năm nay chưa sử dụng.
Ông Ngô Tàu, Phó phòng LĐ-TB&XH quận Cái Răng cho biết, thiết bị do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cấp xuống nhưng Trung tâm Dạy nghề (TTDN) chưa có nhà cửa nên phải gửi bên GDTX.
Vừa qua, để dạy nghề, Phòng LĐ-TB&XH quận phối hợp với GDTX mở một lớp trung cấp kế toán doanh nghiệp (thời gian đào tạo 2 năm), lúc đầu có 20 người đăng ký học nhưng rơi rụng dần, giờ chỉ còn 15 người.
Ngoài ra, dạy nghề còn phải thuê các cơ sở khác để đào tạo nghề ngắn hạn, từ đầu năm đến nay đào tạo 10 nghề theo chỉ tiêu của Sở LĐ-TB&XH giao với 120 học viên.
Còn ở TTDN huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), có 11 biên chế, 7 giáo viên cơ hữu dạy 2 nghề là may và điện, còn lại muốn dạy nghề gì phải liên kết với các cơ sở khác.
Từ đầu năm đến nay, liên kết mở được 10 lớp dạy nghề nấu ăn, kết cườm, đan lát, sửa xe gắn máy, đan sọt, sửa máy tính, điện gia dụng, trang điểm với 350 lao động nông thôn, hiệu quả thấy rõ là nghề đan sọt phục vụ trồng hoa dịp tết sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc TTDN huyện Phong Điền, nói ở huyện nhỏ bé nhưng mạnh ai nấy làm, TTDN và GDTX chưa có tiếng nói chung. Từ đó, đào tạo nghề cho học sinh chưa thật sự mang lại hiệu quả. Theo ông Hoàng, nếu sáp nhập hai trung tâm lại để khai thác lợi thế của hai bên thì hiệu quả hơn, nhất là có thể giao cho ngành GD&ĐT quản lý cả việc đào tạo nghề vì người học nghề chủ yếu trong độ tuổi phổ thông.
Ở tỉnh Hậu Giang, ông Lê Văn Mai là GĐ Trung tâm GDTX huyện Phụng Hiệp cho biết, huyện còn gần 2.000 người mù chữ nhưng vận động đi học là rất gian nan.
Một số nơi vận dụng đào tạo nghề lồng ghép với dạy văn hóa tại địa phương thì có kết quả. Hiện so với nhu cầu, số lượng giáo viên ở bậc mầm non thiếu hơn 100 giáo viên, GDTX phải liên kết với trường Trung cấp nghề Ngã Bảy chiêu sinh lớp trung cấp sư phạm mầm non phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Từ đầu năm đến nay, GDTX huyện Phụng Hiệp mở được 7 lớp bổ túc văn hóa từ lớp 10 đến 12 với 180 học sinh. Trong khi đó, TTDN huyện ở gần đó lại có cơ sở vật chất khá khang trang, trang thiết bị nhập về tương đối đầy đủ nhưng chỉ sử dụng được một phần để đào tạo vài nghề trên phân bổ chỉ tiêu xuống.
GHÉP HAI TRUNG TÂM
Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL đã chủ động ghép GDTX và TTDN lại thành một. Ông Dương Quang Ngọc, Phó GĐ Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh cho biết, từ tháng 4/2013 đến nay đã sáp nhập 6 đơn vị trực thuộc đi vào hoạt động. Tuy mới thực hiện chưa có kết quả rõ rệt nhưng ít nhiều đã tiết kiệm cho xã hội đáng kể.
Ông Ngọc dẫn chứng: TTDN không có biên chế cơ hữu, phải thuê giáo viên bên ngoài đến dạy, không có nhiều người học, trong khi biên chế của GDTX nhiều thì lại ít người học. Khi tách rời hai trung tâm, mỗi học sinh học bổ túc văn hóa mất 3 năm, sau đó học nghề 2 năm nữa, tổng cộng mất 5 năm mới tốt nghiệp bổ túc lớp 12 và lấy được bằng trung cấp nghề.
“Nhưng khi ghép hai trung tâm lại thì học sinh vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề chỉ mất 3 năm thôi, kèm theo là giảm nhiều chi phí ăn học, sinh hoạt”, ông Ngọc kết luận.
Ông Nguyễn Văn Út Em, Quyền GĐ Trung tâm GDTX và Hướng nghiệp dạy nghề huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), cho biết, sau khi ghép hai trung tâm đã khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất để vừa dạy văn hóa vừa tư vấn hướng nghiệp nghề cho học sinh.
Chỉ mấy tháng đầu năm, Trung tâm đã mở được 12 lớp với 512 học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề. “Trung tâm có 40 cán bộ, trang thiết bị đáp ứng đầy đủ cho công tác dạy chữ và dạy nghề”, ông Út Em nói.
Tuy nhiên, thực tế cũng gặp không ít khó khăn ở khâu quản lý vì các trung tâm trực thuộc UBND huyện, trong lúc Sở GD&ĐT quản lý việc dạy văn hóa, còn Sở LĐ-TB&XH quản lý dạy nghề. “Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi sự chồng chéo nhưng do mới thực hiện nên chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, ông Ngọc nói. Toàn tỉnh Trà Vinh từ đầu năm đến nay đã mở được 200 lớp vừa dạy bổ túc văn hoá vừa dạy nghề với gần 5.000 học viên.
HÒA HỘI
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét việc sáp nhập các trung tâm cấp huyện có chức năng giáo dục thường xuyên, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm thành một trung tâm thực hiện nhiều chức năng. Lãnh đạo bộ cho biết, đang chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc sáp nhập các trung tâm cấp huyện. |