> Đơn thư chưa được cơ quan chức năng trả lời
> Cơ quan chức năng trả lời đơn thư bạn đọc
* Đơn của bà Phạm Thị Lịch, trú tại số 7, ngõ 55 đường Tân Xuân (xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) kiến nghị việc bố đẻ là ông Phạm Văn Du, hy sinh năm 1951 khi đang là Bí thư Chi bộ xã Tân Cương (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), hiện chưa được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước 1/1/1945.
Ngày 17/6/2013, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có văn bản (số 1009, do ông Trần Quang Trung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ký)) trả lời: Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương chưa thể hiện thời gian tham gia hoạt động cách mạng của liệt sĩ Phạm Văn Du trước tháng 8/1945; đồng thời đối với những xác nhận của các nhân chứng cho liệt sĩ Du theo quy định lại không được xem xét. Từ những lý do trên, đối chiếu với Hướng dẫn (số 30) của Ban Tổ chức Trung ương, liệt sĩ Phạm Văn Du chưa đủ điều kiện để công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước 1/1/1945.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện còn nhiều trường hợp tương tự như liệt sĩ Du. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã kiến nghị một số khó khăn trong quá trình thực hiện Hướng dẫn số 30, trong đó có nội dung đề nghị được dùng giấy xác nhận của những người cùng hoạt động để được xem xét, xác nhận... nhưng Trung ương chưa có ý kiến trả lời.
* Đơn của các hộ dân tổ 40A phường Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) kiến nghị việc khảo sát quy hoạch tại khu vực họ đang sinh sống để xây dựng Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông thiếu nhất quán, khiến nhà ở của một số hộ dân thuộc diện bị giải toả tăng lên.
Ngày 27/6/2013, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản (số 1144, do ông Vũ Quang Khôi, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN ký) cho biết: Việc điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ so với thiết kế cơ sở (TKCS) của đoạn đường cong sau ga Láng (đi qua khu vực tổ 40A) nói riêng và một số đoạn khác trên toàn tuyến của Dự án nói chung là do hai nguyên nhân.
Thứ nhất, trong bước lập dự án đầu tư, mặt cầu đường sắt có chiều rộng 8,2m được áp dụng cho toàn tuyến, riêng các đoạn đường cong có chiều rộng mặt cầu 8,3m; như vậy chiều rộng chỉ giới đường đỏ tương ứng là 14,2m và 14,3m (bao gồm 3m hành lang an toàn mỗi bên). Nhưng trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật (TKKT), để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt áp dụng cho Dự án, bề rộng của mặt cầu phải điều chỉnh thành 9,4m tại vị trí đường cong trước và sau ga Láng (như vậy chiều rộng của chỉ giới đường đỏ phải điều chỉnh từ 14,3m thành 15,3m).
Thứ hai: Trong giai đoạn TKKT, đường Láng đã được mở rộng ra phía bờ sông, vì vậy tim tuyến đường sắt trong bước TKCS tại vị trí ga Láng cũng phải được dịch chuyển. Vì vậy, lý do dẫn đến việc điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ đoạn đường cong đi qua khu dân cư tổ 40A hoàn toàn do yếu tố kỹ thuật bắt buộc, không phụ thuộc vào nguyên nhân chủ quan của cá nhân hoặc đơn vị nào.
Ban Bạn đọc Báo Tiền Phong trân trọng cảm ơn sự cộng tác của các quý cơ quan, đơn vị.