Người gác rừng trực tính

Người gác rừng trực tính
TP - Ba năm gần đây, khu rừng nguyên sinh hàng nghìn héc-ta ở xã Thượng Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ) không còn cảnh chặt phá, khi xuất hiện mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng do cựu chủ tịch xã Hà Văn Kỳ đứng đầu. Họ là những người dân địa phương, am hiểu những cánh rừng và gắn chặt quyền lợi bảo vệ rừng với người dân.
Ông Hà Văn Kỳ (đi đầu) cùng đội và lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng. Ảnh: Phạm Anh
Ông Hà Văn Kỳ (đi đầu) cùng đội và lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng. Ảnh: Phạm Anh.

Xã Thượng Cửu có trên 3.300 ha đất rừng, trong đó 1.300 ha là rừng nguyên sinh, 1.000 ha trong diện khoanh nuôi bảo vệ và khoảng 1.000 ha rừng trồng trong diện khai thác của người dân.

Chỉ 3-4 năm trước, những héc-ta rừng nguyên sinh còn lại nói trên là điểm nóng nạn chặt phá rừng; những cây sồi, sến, táu… lần lượt bị đốn hạ, trong khi chính quyền xã, lực lượng kiểm lâm địa bàn quản không xuể.

Từ tháng 6-2009 lại đây, nạn chặt phá ở khu rừng nguyên sinh đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng, bởi đội bảo vệ rừng mô hình cộng đồng ra đời, do ông Hà Văn Kỳ (người dân tộc Mường) làm đội trưởng.

Ông Kỳ được “chọn mặt gửi vàng” để gác rừng đang bị tàn phá, vì chính ông là người “có máu mặt” ở địa phương, từng làm Chủ tịch xã, rồi Công an, địa chính ở Thượng Cửu.

Ông Kỳ cho biết, trước đây, dân trong bản và lâm tặc các nơi kéo tới rất nhiều, “Rừng tan hoang, ruộng không có nước, dân càng nghèo thêm. Thấy xót xa quá, mấy anh em bảo chỉ có tôi mới giữ được rừng. Họ nói thế, vì tôi nóng tính, thẳng thắn, nói là làm đến nơi đến chốn”, ông Kỳ nói.

Theo ông, vì cái tính đó, nên thời gian đầu, lâm tặc dọa bắn. Có lần chúng rạch nát yên xe máy của ông.

Đội bảo vệ cộng đồng của ông Kỳ gồm 18 người, lấy từ 10 bản trong xã, chia làm 4 tổ thay nhau tuần tra, canh gác. Đội ký hợp đồng với Kiểm lâm địa bàn, để bảo vệ 2.300 rừng nguyên sinh và rừng khoanh nuôi bảo vệ.

Khi phát hiện nghi vấn, hoặc có tin báo có đối tượng vào rừng chặt phá, lập tức, ông Kỳ báo cho các thành viên tức tốc vào rừng kiểm tra.

Kinh phí hoạt động được lấy từ nguồn bảo vệ và phát triển rừng 200 nghìn đồng/ha/năm. Mấy năm trước, hệ thống rừng nguyên sinh, rừng khoanh nuôi bảo vệ do chính quyền xã quản lý, vì thế, kinh phí thường xuyên cũng chuyển về cho xã.

“Tiền về xã, nhưng kỳ thực, cứ nhận được đồng nào là tiêu đồng đó, chứ rừng không bảo vệ được. Còn giờ, tôi không làm quan xã, làm ông bảo vệ được rừng, tôi thấy vinh dự hơn”, ông Kỳ chia sẻ.

Nói về bí quyết giữ rừng, ông chia sẻ, thực tế, các thành viên trong đội đều là người trong các bản, là người có uy tín. Do vậy, khi thấy dân trong các thôn, bản vác dao, cưa vào rừng là biết, hay khi người lạ vào rừng, anh em đều được báo tin.

Theo ông Kỳ, về thu nhập, mỗi năm, người nào chấm công đều, được khoảng chục triệu đồng. “Dù biết là anh em đi rừng vất vả, vì rừng rộng hàng nghìn héc ta, nhưng nhìn cảnh ruộng vườn hết cảnh thiếu nước, dân không thiếu cái ăn, còn rừng nguyên sinh xanh tươi, không bị chặt phá, dân bản hiểu hơn để bảo vệ rừng, chúng tôi rất sướng”, ông Kỳ bộc bạch.

Ông Trần Quốc Toản, Hạt trưởng Kiểm lâm Thanh Sơn cho biết, mô hình tổ chức bảo vệ rừng cộng đồng ở Thượng Cửu là điểm sáng trong bảo vệ rừng ở Phú Thọ.

“Với mô hình này, những xã đang quản lý rừng nhà nước, nhất là rừng phòng hộ sẽ rất tốt. Khi có thông tin rừng bị chặt phá, đội bảo vệ sẽ là người xử lý nhanh, chứ các chủ rừng lực lượng không đủ để bảo vệ”, ông Toản nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG