Phân chia di sản thừa kế đối với con nuôi

Phân chia di sản thừa kế đối với con nuôi
TP - Bạn đọc Nguyễn Tuấn Đức (Quận Lê Chân- TP Hải Phòng) hỏi: Bố mẹ tôi sinh được 3 anh chị em gồm 2 trai và 1 gái. Nếu kể cả một anh mà bố mẹ tôi nhận là con nuôi nữa thì cả thảy có 4 anh chị em.

Nhưng người con nuôi này , bố mẹ tôi chỉ nuôi từ nhỏ đến năm 8 tuổi, sau đó được chuyển đến trại mồ côi.

Từ đó đến nay, anh ấy vẫn đi lại với gia đình tôi. Nay bố mẹ tôi đột ngột mất, không kịp để lại di chúc.

Tài sản do bố mẹ tôi để lại ước tỉnh khoảng 10 tỷ đồng. Quy định của pháp luật về việc phân chia tài sản này như thế nào, có phân biệt con trai và con gái, con đẻ và con nuôi không?

Luật sư Phạm Chí Công, LS điều hành Cty Luật Khai Phong (Hà Nội) trả lời:

Theo quy định, trường hợp người để lại di sản, chết mà không có di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp…thì việc phân chia di sản thừa kế áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

Bộ Luật dân sự 2005 cũng quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy, không phân biệt quyền được hưởng thừa kế giữa con nuôi, con đẻ, con trai, con gái.

Những người thừa kế ở cùng hàng thừa kế của bạn đều có quyền được hưởng thừa kế như nhau.

Trường hợp gia đình bạn có một người anh nuôi thì cần phải xác định việc nuôi con nuôi này có hợp pháp hay không.

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi số 52/2010/QH12 thì việc nuôi con nuôi được coi là hợp pháp khi đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể là UBND cấp xã.

Nếu gia đình bạn trước khi bố mẹ bạn mất đã đáp ứng được yêu cầu trên, người anh nuôi kia sẽ được hưởng một phần tài sản thừa kế như các anh chị em còn lại của bạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG