Cơ hội và cảnh báo

Cơ hội và cảnh báo
TP - Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đón bằng công nhận khu Ramsar thứ tư ở Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới vào ngày 22-5. Cơ hội bảo tồn đa dạng sinh học mở ra nhưng còn đó những nguy cơ.

> Vườn quốc gia Tràm Chim là khu Ramsar thế giới

Sếu đầu đỏ. Ảnh: Minh Lộc
Sếu đầu đỏ. Ảnh: Minh Lộc.

Tiến sỹ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng sai lầm lớn nhất trong bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm Chim của một thời là tập trung giữ rừng tràm.

Theo Tiến sỹ Ni, tràm chỉ có tác dụng làm nơi trú ngụ cho vài loài chim và cản sóng gió mùa mưa lũ, không có cây tràm thì đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười vẫn còn. Cây tràm không phải là sinh vật chủ lực của thiên nhiên Đồng Tháp Mười.

Sinh vật chủ lực

Khi hạn hán, nhiều loài khô héo thì ơ đây có cây năn với gốc rễ xuyên sâu dưới đất, vẫn xanh tươi. Hạn càng lớn, nhiều cây cối khác càng tiêu điều càng nhường chỗ cho năn mọc lên và chính cái củ năn dưới sâu lòng đất ấy là thức ăn cho nhiều động vật lúc thời tiết cực đoan.

Sếu đầu đỏ (chim hạc) là một điển hình. Về Vườn Quốc gia Tràm Chim mùa khô hạn để ăn củ năn, hạn càng lớn, sếu đầu đỏ về càng nhiều. Lúc đó, giữa không gian cằn khô, đàn chim quý hiếm bay về nhảy múa rộn ràng tạo nên một quang cảnh kỳ thú.

Còn mùa lụt, nước ngập đến 3-4 m, nhấn chìm nhiều cây cỏ trên mặt đất thì Vườn Quốc gia Tràm Chim lại xanh tươi lúa ma. Đây là loại lúa hoang từ xưa để lại có khả năng kỳ diệu, mỗi ngày cao thêm cả gang tay, vượt lên dòng nước lũ. Lụt càng lớn, nhiều cây cối khác không thể sống thì lúa ma càng phát triển xanh tốt. Mùa lụt năm 2011, diện tích lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim lên đến 500-600 ha.

Cây cỏ năn và lúa ma chính là sinh vật chủ lực của sự đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười, phát huy giá trị đặc biệt giúp nhiều loài vượt qua thời tiết ngặt nghèo. Nếu không có cỏ năn và lúa ma, chuỗi lương thực duy trì sự sống ở Đồng Tháp Mười bị đứt gãy, hệ sinh thái sẽ đổ vỡ.

“Tương tự như người nông dân đã giữ cho dân tộc ta vượt qua bao nhiêu biến cố ngặt nghèo từ xưa đến nay”, Tiến sỹ Dương Văn Ni so sánh.

Cây tràm không có giá trị mấy, nhưng có thời được giữ gìn, nhất là chống cháy. Mà việc chống cháy rừng tràm lại là chuyện lo bò trắng răng. Tiến sỹ Ni phân tích, cây tràm có lớp vỏ dày, gọi là bách bì (da trăm lớp), thích nghi với cháy và lụt; ngập cả năm không chết, cháy năm nay thì năm sau xanh tươi hơn, bởi bên trong cây tràm vẫn được bảo vệ.

Tiến sỹ Ni từng hướng dẫn nông dân trồng tràm bằng cách: Mùa khô vác cây tràm có trái, vừa đi trên đồng cỏ vừa bẻ nhánh tràm bỏ xuống. Nếu chỉ vậy, hạt tràm nằm trên cỏ sẽ khô và hư. Nhưng bẻ nhánh tràm xong, đến đầu gió châm lửa đốt đồng cỏ, hạt tràm sẽ được nằm sát mặt đất, khi mưa xuống mọc lên cây con xanh tươi.

“Con người đừng can thiệp thô bạo, phá vỡ tự nhiên”, Tiến sỹ Ni nói. Các nhà khoa học chỉ ra phương pháp bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm Chim tốt nhất là không can thiệp.

Nguy cơ

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL nói: “Có một vấn đề lớn đang đe dọa hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim chưa được giải quyết, là hệ thống đê bao quá cao, đến 4-5 m, nhằm trữ nước quanh năm phòng chống cháy rừng, làm từ năm 2003”.

Trước đây, hệ thống đê bao chỉ cao chừng 2 m để giữ nước Vườn Quốc gia Tràm Chim không xuống quá thấp vào mùa khô. Đê quá cao đã cách ly Vườn Quốc gia Tràm Chim với bên ngoài, giảm lượng phù sa và thủy sản đi vào mùa lũ, có nguy cơ làm nghèo kiệt tài nguyên, đe dọa đa dạng sinh học trong Vườn.

Theo Thạc sỹ Thiện, nên hạ thấp một số đoạn đê bao cho nước sông tự do tràn vào mùa lũ.

Thạc sỹ Thiện là thành viên nhóm Đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án thủy điện dòng chính Mekong nên ông đề cập đến nguy cơ khác, lâu dài và nghiêm trọng hơn.

Đó là việc xây hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Nếu xảy ra, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về không như ngàn vạn năm nay nữa, mà thất thường khó đoán.

Các chuyên gia đã tính toán được, sông Mekong sẽ cạn kiệt hơn vào mùa khô, dữ dội hơn vào mùa mưa. Mực nước lũ dâng cao hơn gang tay một ngày thì điều gì xảy ra? Cây lúa ma với khả năng vươn cao một ngày chỉ gang tay, sẽ chết. Khi đó, sẽ xảy ra sự đổ vỡ hệ sinh thái Đồng Tháp Mười.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG