Chi hàng chục tỷ đồng, không dẹp được xe tự chế

Chi hàng chục tỷ đồng, không dẹp được xe tự chế
TP - Đến cuối 2010, Đồng Nai có hơn 6.100 phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế bị đình chỉ tham gia giao thông. Nhà nước hỗ trợ cho chủ phương tiện trên 29 tỷ đồng, nhưng loại phương tiện này vẫn lưu thông.

> Xe 'bọ xít' rít khắp làng
> Tịch thu xe ba bánh tự chế không giấy tờ

Tại các phường như Tân Mai, Tân Biên, Tân Hòa, các phương tiện xe 3 bánh tự chế vẫn còn nhiều, các chủ cửa hàng ở khu vực này cho rằng, chỉ có loại phương tiện này mới có thể chở được các loại hàng cồng kềnh, quá khổ, đi được vào các đường hẻm và giá thuê chở rẻ hơn nhiều lần so với xe tải.

Anh Nguyễn Văn Tư quê ở Long An đến tạm trú ở phường Tân Hiệp có thâm niên chạy xe ba gác máy gần 20 năm chuyên chở sắt cây cho các chủ cửa hàng sắt thép ở khu vực phường Tân Biên cho biết: “Năm trước tôi có tới phường hỏi thủ tục để được nhận hỗ trợ của nhà nước, nhưng cán bộ ở phường nói không giải quyết cho người tạm trú nên đành thôi, bỏ nghề này thì tôi không biết làm gì khác để nuôi vợ con, với lại có nhiều người chạy xe ba gác như tôi họ được lãnh tiền hỗ trợ rồi, nhưng vẫn chạy xe như cũ”.

Cũng chạy xe ba gác chuyên chở hàng cho các cửa hàng đồ gỗ ở phường Tân Mai, ông Út Ri nói: “Tôi nhận được hỗ trợ 5 triệu đồng để chuyển nghề, nhưng nghề tôi là chạy ba gác từ hơn 30 năm rồi đâu biết làm gì nữa. Mua xe đúng quy định thì phải mất 60 - 70 triệu đồng, tôi không kham nổi”.

Những chủ xe ba gác thừa nhận, biết xe tự chế bị cấm lưu hành, nhưng phải mưu sinh nên cứ phải làm, vừa chở hàng vừa canh chừng cảnh sát giao thông trên đường. Trong khi đó, dù tỉnh đã chi hỗ trợ cho khoảng 300 chủ xe công nông, nhưng về các vùng nông thôn ở tỉnh Đồng Nai loại phương tiện này vẫn chạy vô tư nhiều nơi. Một chủ xe công nông ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) nói: “Chỉ có xe công nông mới vượt được địa hình đồi núi để chở khoai mì, cây gỗ”.

Trong khi việc cấm xe tự chế đã được thực hiện từ lâu, nhưng tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) một xưởng cơ khí vẫn đều đều sản xuất xe công nông theo đơn đặt hàng. Trên tuyến tỉnh lộ 768, những chiếc xe công nông chất đầy gỗ tràm khai thác từ các cánh rừng ra vẫn chạy ào ào.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng phòng Phương tiện vận tải và Người lái (Sở GTVT Đồng Nai) cho rằng cơ quan này chỉ thống kê số phương tiện để hỗ trợ, còn việc đình chỉ phương tiện lưu thông là của ngành khác.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Việc kiểm tra đình chỉ xe 3, 4 bánh lưu thông thuộc về CSGT, ngay cả công an xã cũng có thẩm quyền này”. Một cán bộ có chức năng cho rằng hàng chục tỷ đã chi ra không phải là ít, tuy nhiên hiệu quả như thế nào cần phải đánh giá lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG