Hàng dỏm bán bừa ở Buôn Đôn

Hàng dỏm bán bừa ở Buôn Đôn
TP - Nhiều quầy lưu niệm ở khu du lịch Buôn Đôn, Đăk Lăk bày bán tràn lan hàng nhái gắn mác đặc trưng Tây Nguyên.

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km, Buôn Đôn từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhiều người bảo “Chưa đến Buôn Đôn coi như chưa đến Đăk Lăk”, phải đi để biết sự thú vị của cầu treo trên sông Sêrêpốk, đặc sản cơm lam gà nướng, nhà sàn cổ, cưỡi voi… Gần đây, một số hàng quán lợi dụng uy tín các sản phẩm gắn với đặc trưng Tây Nguyên để bán hàng nhái cho du khách với giá cắt cổ.

Hàng nhái từ voi

Tại khu du lịch Buôn Đôn, hàng quán mọc lên san sát, bày đủ loại sản phẩm, nổi bật nhất là các mặt hàng làm từ thân xác voi, như: nhẫn lông đuôi voi, vòng và hoa tai làm bằng ngà voi…

Một bà chủ quán mời gọi: “Mua nhẫn đi em, lông đuôi voi thật 100%. Đeo cho may mắn, cái này tặng cho bạn gái là người ta chung thủy suốt đời”. Giá nhẫn bạc từ 100 đến 120 nghìn đồng/chiếc, vàng từ 350-700 nghìn đồng/chiếc. Bà chủ đưa một sợi lông ra bảo đốt thử, “nếu mùi khét là lông voi thật”. Bà nói: “Lông này là của voi Bản Đôn chính cống, không giả đâu mà sợ. Một sợi lông giá 200 nghìn đồng. Hàng đắt mới là hàng thật”. Tiếp đó, bà giới thiệu các mặt hàng đeo cổ, đeo tay làm từ móng mèo, nanh heo rừng và ngà voi. Vòng đeo tay làm bằng ngà voi được chủ quán hét giá từ 5 đến 7 triệu đồng. “Những cái này là từ voi Bản Đôn”, bà nói.

Tuy nhiên, một phụ nữ Ê Đê bán lông đuôi voi ở đây, nói: “Lông đuôi voi của em là thật, không phải giả đâu, cha em mua tận bên Lào về, giá 400 nghìn đồng/sợi. Voi ở đây trụi lông cả rồi, tìm đâu ra nhiều lông, ở các quán khác lông giả nhiều, chẳng biết đâu mà chọn”. Nói về lông đuôi voi giả, ông Đàng Năng Long, người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên, cho biết: Lông đuôi voi giả rất khó nhận biết, chỉ có những người sành mới biết được. Lông giả thường được làm từ sợi nhựa tổng hợp, sừng trâu được gia công bằng máy móc hoặc lông heo rừng.

Đủ loại thần dược Ama Kông

Bên cạnh các mặt hàng làm từ voi, phương thuốc bí truyền, gọi là thần dược Ama Kông, được bày bán khắp nơi, mỗi quầy ghi một giá.

Bao bì mỗi nơi một kiểu nhưng đều in công dụng na ná nhau: trị đau lưng nhức mỏi, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực… và đề địa chỉ rõ ràng: tại Buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn. Để tăng thêm độ tin tưởng, có bao bì còn ghi rõ thành phần của thần dược, gồm: cây trong, lá dâm dương hắc, củ khúc khắc. Giá mỗi gói Ama Kông trọng lượng trên dưới 1kg bán ở khu vực này thường dao động quanh mức 100 nghìn đồng/gói. Trong khi giá mỗi thang thuốc chính hiệu Ama Kông được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, do thầy thuốc Khăm Phết Lào bán ra hiện chỉ có 2 mức giá là 250 nghìn/thang và 500 nghìn đồng/thang.

Một trong những chủ quầy có bán thuốc Ama Kông và các sản phẩm du lịch ở đây kể: “Dân quanh vùng đều biết làm thuốc Ama Kông, chỉ cần lên rừng chặt cây thuốc về làm thôi, giống nhau cả. Giá bán thuốc của ông Khăm Phết Lào cao hơn vì bán theo thương hiệu thôi!”.

Theo thầy thuốc Khăm Phết Lào, để cho ra mỗi thang thuốc Ama Kông có giá trị thực sự, quá trình đi lấy nhiều loại cây thuốc và bào chế rất công phu, hoàn toàn không đơn giản kiểu “nhổ bừa, chặt khúc, phơi khô” thiếu hiểu biết về y lý tính của cây thuốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.