Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 đang gây nhiều bức xúc cho dân. Ảnh: N.T. |
Cuộc họp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam, BQL dự án thủy điện 3 và UBND tỉnh Quảng Nam cùng các huyện liên quan tìm phương án tái định cư (TĐC) và tìm đất sản xuất cho người dân diễn ra tại TP Tam Kỳ sáng 17-5. Dù trước đó đã có nhiều phản ứng gay gắt từ phía địa phương, nhưng đến nay câu chuyện hầu như vẫn bỏ ngỏ.
Có 1.046 hộ nằm trong diện giải tỏa di dời để xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Trong đó huyện Bắc Trà My có 834 hộ, Nam Trà My có 212 hộ. Tuy nhiên đến nay chỉ có 12 hộ được nhận đất sản xuất, 759 hộ nhận tiền, còn lại 275 hộ chưa được nhận đất hoặc tiền đền bù.
Câu chuyện tái định cư (TĐC) cho người dân vùng thủy điện đã gây nhiều tranh cãi giữa lãnh đạo hai huyện này cùng các sở ban ngành Quảng Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao khi khởi động công trình không tính đến chuyện TĐC, bố trí đất sản xuất cho người dân? TĐC dân từ vùng lòng hồ vào các khu vực rừng tự nhiên liệu có đồng nghĩa với việc rừng tiếp tục bị phá? Dân liệu có sống được tại vùng tái định cư khi đất sản xuất không có?
Ông Đặng Phong, Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My cho rằng: “Thực tế 5 năm qua, các hộ TĐC từ công trình thủy điện vẫn chưa ổn định được cuộc sống. Chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 chỉ quan tâm đến lợi ích công trình mà chưa quan tâm đến lợi ích của dân. Khi khởi công công trình chủ đầu tư chưa đả động đến chuyện TĐC”.
Ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My khẳng định: “Dân tái định cư nhưng không tính đến phương án chuyển đổi nghề, đưa dân vào rừng sâu để TĐC, dân không có đất sản xuất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, mà trước mắt rừng sẽ bị phá, môi trường tự nhiên bị xâm hại”
Nguy cơ phá rừng
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam, việc TĐC thủy điện Sông Tranh 2 còn nhiều bất hợp lí mà bắt nguồn chủ yếu từ việc quy hoạch không bài bản, không có sự tính toán, dẫn đến nhiều bất ổn. Hầu hết các hộ dân phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp của Tập đoàn Điện lực với mức trợ cấp 30 kg gạo và 100.000đồng/khẩu/tháng trong vòng 12 tháng. Khi hết thời gian trợ cấp, người dân vào rừng khai thác lâm sản để sống, dẫn đến tình trạng rừng bị phá.
Ông Trần Văn Được – Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết sẽ yêu cầu Ban quản lý dự án thủy điện 3 điều chỉnh quy hoạch, thuê đơn vị tư vấn và khảo sát xử lý dứt điểm, thống nhất với lãnh đạo địa phương, các ban ngành giải quyết sớm nhất các vướng mắc, ổn định cuộc sống người dân. |
Sau 5 năm từ khi nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng vẫn không giải quyết được bài toán đất sản xuất và ổn định đời sống người dân, dẫn đến khiếu kiện. Thực tế 97% hộ dân TĐC của dự án không có đất sản xuất, trong khi đất tốt dọc các con sông đã bị nhà máy thủy điện lấy đi, đưa dân lên TĐC ở những vùng đất xấu trên rừng, không thể canh tác.
Phá rừng tự nhiên lấy đất sản xuất cho dân là phương án không thể, và phải tính đến phương án đưa dân TĐC từ rừng tự nhiên ra ngoài để bảo vệ rừng. Tái định cư phải gắn liền với tái định canh, chuyển đổi nghề và phải có quy trình tính toán lợi ích lâu dài.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam khẳng định: “Bản thân nhà máy thủy điện đã lấy đi nhiều diện tích rừng, nay đưa dân TĐC vào rừng không đất, không nghề, rừng sẽ tiếp tục bị phá. Chủ đầu tư cấp tiền một lần cho dân chỉ là làm cho qua chuyện, không tính đến lợi ích lâu dài!”.
Đáp lại các ý kiến trên, BQL dự án thủy điện 3 cho rằng: Việc TĐC, công tác đền bù, bồi thường là đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên từ quy hoạch tổng thể đến triển khai chưa rà soát và tính đến các vướng mắc. Những vướng mắc trong việc TĐC phải chờ hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, lập lại quy hoạch mới. Tiến hành kiểm tra lại quỹ đất, tuyệt đối không đụng vào khu vực rừng tự nhiên trong quá trình TĐC thủy điện. Tiếp tục xem xét hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng TĐC còn khó khăn”.