Thực trạng thị trường: Những con số
Theo thống kê của HVN, năm 2010, HVN bán ra tổng cộng trên 1,7 triệu xe gắn máy, chiếm khoảng 64% thị phần của các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio). Như vậy, tính toán sơ bộ cho thấy, doanh số xe gắn máy của toàn thị trường Việt Nam gồm một vài nhà sản xuất xe trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc, sẽ khoảng 4,5 đến 5 triệu chiếc một năm.
Theo điều tra sơ bộ của phóng viên, không riêng những mẫu xe “hot” hiện nay như Air Blade, mà ngay cả các mẫu xe khác như Super Dream, Wave Alpha, Wave 110S… đều bị bán chênh lệch từ một vài triệu đến cả chục triệu đồng so với giá đề nghị của Honda Việt Nam. Việc này không chỉ gây bức xúc cho những người tiêu dùng có nhu cầu thực sự, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi làm tiền lệ xấu cho đại lý của các hãng xe khác.
Honda Air Blade 2011 chính thức ra mắt ngày 8 - 4 - 2011 với mức giá đề nghị 35.990.000 đồng cho phiên bản thường và 36.990.000 đồng cho phiên bản thể thao (sport) với màu sơn và tem xe phối lại. Chỉ sau đó hai ngày, mẫu xe này đã xuất hiện tại một vài HEAD trên địa bàn Hà Nội với giá bán từ 47 đến 48 triệu đồng.
Tại Thanh Hóa và Vinh, theo khảo sát trực tiếp của phóng viên, Air Blade 2011 được bán với giá mềm hơn, 46 triệu và 47 triệu đồng cho những phiên bản tương ứng. Lý do bán chênh lệch giá, như thường lệ, vẫn là… khan hàng.
Với sự có mặt của xe Honda tại Việt Nam hơn một thập kỷ qua cùng doanh số toàn thị trường, việc thị trường có thực sự khan hàng không? Chắc chắn, người tiêu dùng tự có câu trả lời cho riêng mình.
Bán chênh giá: Văn minh thương mại?
Thực tế cho thấy, số lượng xe được tập kết tại những địa điểm có thể quan sát được ở những HEAD không ít. Theo số lượng do HVN cung cấp, sản lượng Air Blade hàng tháng đạt khoảng 30.000 xe trong năm 2010 và năm 2011 sẽ là 40.000 xe, sau khi dây chuyển sản xuất được nâng cấp. Cũng theo HVN, trong bốn năm qua, số lượng xe Air Blade được bán ra đạt khoảng gần một triệu chiếc.
Công bằng mà nói, Air Blade là mẫu xe có đối tượng sử dụng khá đa dạng do thiết kế đẹp, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu. Mức giá của phiên bản cũ đến thời điểm đầu tháng 4 - 2011 vẫn dao động từ 42,4 cho tới 44 triệu đồng/chiếc, cũng chênh lệch khoảng gần 10 triệu đồng so với giá đề nghị.
Trước đây, giải thích cho việc tăng giá, các HEAD giải thích như sau: Trong điều kiện hợp tác, HVN không chỉ bán hàng cho các HEAD theo đề nghị của HEAD, mà buộc họ phải nhập đủ chủng loại xe, gồm cả các mẫu xe kém chạy như Super Dream hay SH. Với những mẫu xe đó, HEAD phải giảm giá thấp hơn giá niêm yết để có thể tiêu thụ được xe, quay vòng vốn. Vì vậy, những mẫu xe bán chạy, họ phải nâng giá để bù vào những mẫu ế hàng.
Thực tế cho thấy, đúng là có những thời điểm các loại xe như Super Dream được bán với giá thấp hơn giá niêm yết từ 200 cho tới 700 ngàn đồng mỗi chiếc. Còn SH125, có thời điểm được bán giá 94 triệu đồng, thấp hơn gần 6 triệu so với giá niêm yết. Tuy nhiên, tại thời điểm này, toàn bộ những mẫu xe đều được bán cao hơn giá niêm yết. Vậy lý do các HEAD đưa ra không còn hợp lý nữa và văn minh thương mại đã không được tôn trọng.
Thế nhưng, người tiêu dùng, dù vui vẻ hay không vẫn rút hầu bao để sở hữu những sản phẩm đó. Theo sự điều tiết của thị trường, cung và cầu vẫn gặp nhau và vì thế, xe Honda vẫn bán tốt, dù chênh giá.
Bán chênh giá – Quyền lợi thuộc về ai?
Thuế là một trong những công cụ để nhà nước điều tiết thị trường. Doanh nghiệp làm ăn có lãi sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để chia sẻ phúc lợi xã hội và chi phí quản lý cho Chính phủ. Với việc bán chênh giá như vậy, liệu các doanh nghiệp có đóng góp gì cho xã hội hay không?
Trước tiên, HVN cung cấp xe cho các đại lý theo những điều khoản riêng không được tiết lộ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn, với giá bán lẻ đề nghị, HVN cũngtạo điều kiện để các HEAD có lợi nhuận nhất định. Và với giá bán xe cho các HEAD, HVN cũng đóng đủ các loại thuế vào ngân sách nhà nước. Vậy, có thể thấy trong câu chuyện giá xe đến người tiêu dùng, HVN không được lợi lộc gì.
Sau khi xe được bàn giao cho các HEAD, trách nhiệm phân phối thuộc về các HEAD. Bán chênh giá cao lên so với giá niêm yết, lợi nhuận của HEAD là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, khi phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng, các HEAD chỉ phát hành hóa đơn theo giá trị xe mà HVN đề nghị. Phần chênh lệch, ví dụ như xe Air Blade là gần 10 triệu đồng, đương nhiên rơi vào túi doanh nghiệp chủ quản.
Lấy ví dụ, năm 2010, HVN bán ra khoảng 300.000 xe Air Blade. Với mức giá bán cao hơn trung bình 10 triệu đồng/xe, tổng số tiền chênh lệch các HEAD thu về là 3.000 tỷ đồng. Vậy số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà các HEAD “trốn” của nhà nước không ít. Đó mới chỉ là tính toán riêng cho mẫu xe Air Blade mà thôi.
Như vậy, với việc bán chênh lệch giá cho người tiêu dùng, các HEAD đã không chỉ vi phạm văn minh thương mại mà còn có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc và những vi phạm này được xác định, câu chuyện sẽ không dừng lại ở việc tăng giá bán xe đơn thuần.
Lời kết
Trong vận động của nền kinh tế thị trường, sản phẩm nào không thực sự chứng tỏ giá trị của mình, đương nhiên sẽ bị đào thải. Nếu như HVN không nhanh chóng tìm ra biện pháp kiểm soát giá bán lẻ cho các mẫu xe của mình, tức nước, vỡ bờ, việc người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm của HVN chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khi người tiêu dùng ngày càng chứng tỏ sự thông minh của mình và các nhà sản xuất cạnh tranh biết phát huy lợi thế so sánh, HVN sẽ khó tránh khỏi những khó khăn. Và đến lúc đó, những sản phẩm thực sự giá trị và những nhà sản xuất biết tôn trọng khách hàng sẽ chiến thắng và tồn tại.
Người tiêu dùng, vẫn luôn là quan tòa công bằng và minh bạch nhất.
Việt Hùng