Bà cựu Tổng thống Latvia phát biểu tại hội nghị Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương ngày 16-2 tại Hà Nội :” Tôi sẽ đồng hành và đóng góp nhiều hơn nữa cho Giải thưởng và Viện Trần Nhân Tông “. |
Trước đó, ngày 16-2, tại Hà Nội, một Hội nghị về vấn đề này cũng vừa được tổ chức với sự có mặt của nhiều học giả, trong đó có cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga.
Ngoài những hạng mục công việc đồ sộ của Viện Trần Nhân Tông như Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông, mạng Trần Nhân Tông, giáo sư Thomas Patterson, học giả lớn về khoa học chính trị, đại học Harvard đề xuất ý tưởng và phương án để Viện Trần Nhân Tông triển khai xây dựng bảo tàng Trần Nhân Tông ở Hà Nội. Ông cũng động viên vợ là nhà làm phim tài liệu có uy tín ở Mỹ bà Lorie Conway sang Việt Nam làm phim tài liệu về Trần Nhân Tông.
Giáo sư Thomas Patterson cho biết nhiều bạn đồng nghiệp của ông ở Harvard cùng với một số nhà báo lớn ở Mỹ rất trân trọng và sẵn sàng đồng hành cùng Trần Nhân Tông Academy, bởi tư tưởng, minh triết và sự nghiệp của Trần Nhân Tông thực sự là một giá trị rất quý không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại.
Như vậy , cùng với Hòa nhạc Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương được tổ chức hàng năm vào tháng 8 tại Boston, Viện Trần Nhân Tông đã nhận được sự ủng hộ đồng hành của một số nhà lãnh đạo có uy tín, của các học giả lớn ở Harvard và vùng Boston, cùng với tâm huyết của các nhà khoa học, nhà văn hóa tại Việt Nam như nhà văn hóa Việt Phương, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phan Huy Lê, Phó giáo sư Trần Ngọc Vương …
Chia sẻ về những bước đi ban đầu này, Nguyễn Anh Tuấn nói: “Tôi là người nêu ý tưởng và triển khai những bước đi ban đầu, nhưng tôi chỉ là hạt cát thôi, Viện Trần Nhân Tông là sự nghiệp của những người Việt Nam tâm huyết với đất nước và dân tộc”.