Bìa cuốn "Đội gạo lên chùa" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
“Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” được nhiều giải thưởng, viết “Đội gạo lên chùa” có lẽ nhà văn nghĩ sẽ “ăn chắc” giải tiểu thuyết của Hội Nhà văn?
Thú thực, khi Hồ Quý Ly (xb năm 2000) được giải thưởng tôi vui hơn nhiều, xúc động nữa: Sau gần 30 năm không được cầm bút, tác phẩm ra mắt được đón nhận ngay. Đến tuổi này rồi, giải thưởng với tôi cũng bình thường thôi, dù mình cũng phấn khởi vì ngoài bạn đọc thông thường, bạn đọc trong giới cũng ghi nhận.
Thoạt nghe “Đội gạo lên chùa”, bạn đọc dễ liên tưởng âm hưởng giễu nhại?
Nếu để cả câu ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư thì thành ra ý giễu nhại. Chỉ tỉa Đội gạo lên chùa, người đọc thấy sự nghiêm túc, tôn kính nhưng trong đầu họ vẫn có âm hưởng của câu ca dao. Thực tế, đạo Phật vốn mềm dẻo, sang Việt Nam càng có tính nhập thế cao, thế nên mới nói cuốn sách được gợi cảm hứng từ “tùy duyên”.
Đưa đạo Phật vào tiểu thuyết không dễ, với “Đội gạo lên chùa” ông có thấy vậy?
Ngày còn trẻ tôi thích tìm đến đạo Phật, sau này thường xuyên đọc sách về Phật giáo, thăm thú chùa chiền và tìm hiểu trong dân gian. Những năm 1960, tôi viết Làng nghèo, do trục trặc, không in. Tôi tự thấy mọi hiểu biết về tôn giáo trong đó quá nông cạn. Về già tôi muốn viết về cái làng ấy, nhưng lúc ấy chỉ còn lại ý tưởng thôi, mọi chi tiết và nhân vật thay đổi cả.
Đội gạo lên chùa xoáy vào văn hóa làng, nhưng tích hợp thêm đạo Phật. Viết về ngôi chùa Sọ, nhưng sự thực trong ngôi chùa ấy đều là những người dân quê cả, họ lại có mối quan hệ với cả văn hóa làng đó.
Sau hai tiểu thuyết trước, ông có coi “Đội gạo lên chùa” là cuộc chạy đua với chính mình?
Nhà văn vượt lên chính mình thật khó. Thực ra, Đội gạo lên chùa nằm trong mạch viết về người Việt thông qua văn hóa, mà tựu trung lại là văn hóa làng, ngoài ra còn có cả sự kết tinh của văn hóa Việt ở kinh đô Thăng Long. Nếu chỉ miêu tả không thì quá nhàm, nên muốn tạo tính đa diện người viết không chỉ viết về hiện thực, mà đan cài văn hóa và nhiều tầng khác nhau.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. |
Ông chủ định viết cuốn này dài để xác lập kỷ lục nhà văn cao tuổi viết dài nhất?
Đấy là tôi đã cắt đi rồi, nếu không sách lên đến trên nghìn trang. Ban đầu, tôi cũng chỉ định viết chừng 600 trang thôi. Nhưng quỹ thời gian các nhân vật trải qua gần 40 năm, đủ biến thiên từ hai cuộc kháng chiến, qua cải cách ruộng đất. Có người coi Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết lịch sử, theo lối viết truyền thống. Thực tế, tôi đưa vào khá nhiều yếu tố hiện đại của phân tâm học, của ý thức, nhục cảm, huyền thoại…
Ông thấy sao khi có ý kiến rằng “Đội gạo lên chùa” có phần xuống tay so với hai tác phẩm trước?
Có người thích Hồ Quý Ly hơn, người thì thích Mẫu thượng ngàn, có người bảo Đội gạo lên chùa mới là cuốn hay nhất của tôi, bởi họ thấy gần gũi hơn, hoặc cũng có khi vì họ thích đạo Phật. Lại cũng có người rất chê, bảo viết đến cuốn này ông Khánh kém đi rất nhiều.
Sách ra tháng 6-2011, nay rục rịch tái bản lần thứ 4, chắc sách của mình cũng được chấp nhận. Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn thì chuẩn bị tái bản lần thứ 11 và thứ 7. Nói chung, người viết phải đánh vào những vấn đề hấp dẫn được con người hiện đại quan tâm.
Được biết ông nói không với máy tính, chỉ viết tay?
Ngay từ khi có máy tính và internet, bạn văn đã kêu gào tôi viết bằng máy. Nhưng viết bằng tay tôi thấy không đứt mạch. Đến khi chỉnh sửa có hơi vất vả hơn một chút...
Nhà văn thấy sao khi bạn văn nói ông sống trẻ?
(Cười) Cốt là cách sống, suy nghĩ, vấn đề ý tưởng. Chẳng hạn tôi quan niệm là đổi mới chủ yếu là đổi mới tư duy, con người sẽ thấy rất thoải mái. Cách sống cũng thế, vì khi viết nó cũng phản ánh cuộc sống của mình. Tôi cũng rất hứng thú với các chuyến đi, những dịp đi đây đó không phải để viết, mà cho người viết cái nhìn bao quát hơn, cũng có cảnh trí sau này hữu ích khi viết.