> Tế Hanh: Một hồn thơ thuần phác
Nhà thơ David Mckirdy nhận lộc trong dạ hội Thơ mùa Xuân đất nước đêm 4-2 tại Văn Miếu. |
Trẻ, già cùng sân thơ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- thành viên BTC Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 chia sẻ: “Ngày thơ lần thứ 10 mang lại cho tôi bao cảm xúc phức tạp. Nếu chỉ với tư cách nhà thơ có thể thong dong đến với thơ, nhưng lỡ mang gánh lo tổ chức, tôi hi vọng dù còn điều này điều kia chưa được, ngày thơ sẽ là nỗ lực không ngừng của các nhà thơ cải thiện đời sống thơ ca, mang lại những tinh thần sống cao thượng hơn. Sau mỗi ngày thơ, chúng ta không thể hi vọng tất cả mọi người ngay lập tức yêu thơ, nhưng bền bỉ từng bước một, ở khắp nơi, chúng ta hi vọng mọi giấc mơ, đời sống văn hóa, tư tưởng… được nâng lên”.
Đó cũng là lí do Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 được đẩy lên trước một ngày, nhằm đúng Chủ nhật để công chúng yêu thơ có thể toàn tâm thưởng thơ.
Đặc biệt là dịp mở cửa tự do đúng nghĩa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón du khách, bạn đọc đến với các sân thơ, quầy trưng bày ấn phẩm phong phú. Công chúng đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có điều kiện cảm nhận không khí thơ của 11 tỉnh thành, vốn từ hôm trước náo nức dựng lều thơ.
Không còn chia sân thơ thiếu nhi, truyền thống và thơ hiện đại như mọi năm, khán giả yêu thơ tập trung vào hai sân thơ truyền thống và quốc tế. Mở đầu Ngày thơ, giàn cồng chiêng ấn tượng do các nghệ nhân Hòa Bình trình diễn Đẻ đất, đẻ nước-tượng trưng cho khởi đầu sự sống con người.
Trái đất này là của chúng mình (nhạc sĩ Trương Quang Lục, thơ Định Hải) do các em thiếu nhi trình bày được chọn khép lại ngày thơ đánh dấu chặng đường 10 năm đầy ý nghĩa.
Triển lãm 80 năm Thơ Mới, một sự kiện đáng chú ý khác tại Ngày thơ năm nay. Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người được giao công tác hậu cần cho triển lãm cho biết, BTC chọn ra 38 gương mặt tiêu biểu của Thơ Mới để tôn vinh.
Ngoài tấm áp phích lớn in thông tin chung, 19 áp phích khác bày quanh Thiên Quang tỉnh giới thiệu 19 cặp thi sĩ với tiểu sử và trích bài thơ nổi bật.
Đó là những Thế Lữ với Tiếng sáo Thiên Thai, là Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, cùng áng thơ xuất sắc của Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… Chiều cùng ngày, Hội Nhà văn trao Giải thưởng Văn học năm 2010 và 2011.
Điểm nhấn thơ quốc tế
Đọc thơ tại Văn Miếu ngày 4-2-2012. Ảnh: Trường Phong. |
Đánh dấu mốc cho chặng đường 10 năm Ngày thơ, năm nay công chúng có dịp giao lưu với các thi sĩ ngoại ở sân thơ Quốc tế. Chuẩn bị cho sự ra mắt này, BTC có hẳn hai đêm thơ quốc tế tối 2&3-2 ở Quảng Ninh, nơi diễn ra Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần 1. Đêm thơ đầu tiên ở đất Hạ Long còn hình thức, nhàm với màn giới thiệu lên đọc thơ rồi về chỗ.
Thơ ca thực sự thăng hoa ở đêm thơ tiếp theo, kéo dài đến gần 12h đêm, với những màn phiêu ấn tượng như: Banya Natsuishi (Nhật Bản)-Hữu Việt đọc chùm 15 bài thơ Haiku; nữ nhà thơ Sue Wooton đến từ New Zealand và nhà thơ Giang Nam; Sukrita Kumar (Ấn Độ)-Nguyễn Trọng Tạo…
Ngay tối trở về Hà Nội 4-2, các nhà thơ cả Tây lẫn ta lại tụ hội trong Dạ hội thơ tại Văn Miếu. Theo nhà thơ Hữu Việt, đảm trách công tác đón tiếp đoàn đại biểu quốc tế cùng nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, với tính chất dạ hội, nên đêm thơ 4-2 có sự hòa trộn giữa thơ và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc: Hát văn Hải Phòng, múa đèn Vĩnh Phúc, hát then Phú Thọ- sẵn dịp giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt.
Hai đêm thơ ở Quảng Ninh chỉ bó hẹp trong không gian đại biểu quốc tế, Việt Nam thì Dạ hội thơ và Sân thơ Quốc tế ở Văn Miếu trong Ngày thơ Việt Nam lại là nơi hội tụ tiếng thơ về châu Á, của tình hữu nghị như kỳ vọng của các nhà thơ, được cộng hưởng từ sự tiếp nhận của đông đảo công chúng.
Hơn 70 đại biểu quốc tế lần lượt được trình diễn những vần thơ xuất sắc, qua bản dịch của những dịch giả-nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, Hữu Việt, Thúy Toàn…
Sân thơ Quốc tế cũng có chút ưu ái cho các tác giả có thơ viết về Việt Nam. Đó là nhà thơ, nhà giáo Mary Croy người Mỹ hiện sinh sống ở Việt Nam.
Nữ thi sĩ từng trình diễn ấn tượng Lá thư tình gửi Hà Nội trong đêm thơ trước: Tôi không quan tâm đến việc bạn làm tôi khó chịu/tấn công tai tôi bằng ầm ĩ tiếng còi/tiếng hô vang của những người bán hàng rong/tiếng chát chúa ong ong của tin tức mà tôi không thể hiểu/vào sáu giờ sáng/tại sao mỗi khi tôi rời khỏi bạn/lòng tôi ngập tràn nỗi buồn?
Nay, Mary Croy lại có cảm xúc khác với Sông Hương: Những người kiếm sống trên sông/học cách tắm trong dòng nước đục/bơi dưới lụa mà không sợ hãi/những đứa trẻ trút ào những tấm lưng về mặt trời buổi sáng/người phụ nữ già đẩy thuyền bằng xương sống.
Thi sĩ quốc tế từ Anh, Mỹ, Nga, Nhật Bản đến các tác giả gần gũi hơn như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore… lần lượt xuất hiện ở sân thơ quốc tế. Không chỉ ưu ái cho các thi sĩ có thơ về Việt Nam, rộng hơn là các tác giả viết về châu Á.
Đó là những vần thơ của nhà thơ, họa sĩ người Anh Joel Arnstein dành nhiều cảm xúc cho Philippines: Tôi đợi/nơi đây ở Manila/Với bí mật của nó nằm dưới/Bề mặt bê tông/ Một đức chúa bị hành hình/Vào sự đóng đinh có mặt khắp nơi/Và tất cả những chiếc jeepney/Đi qua, đi qua. (Manila)
Nhà thơ Hữu Việt khoe, sẵn kinh nghiệm đêm thơ 3-2 của những Cặp đôi hoàn hảo-cặp nhà thơ Việt Nam và quốc tế-phối hợp ăn ý đọc thơ, trình diễn, hát thơ; sân thơ Quốc tế tràn ngập những màn tung hứng, tương tác.
Các gương mặt thơ Việt Nam: Trần Tuấn, Đỗ Doãn Phương, Vi Thùy Linh… không dự Liên hoan Thơ châu Á Thái Bình Dương, nay xuất hiện ở buổi đọc thơ cùng bạn bè bốn phương.
Đẩy mạnh xuất khẩu văn chương Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều coi liên hoan thơ, ngày thơ, đêm thơ là nỗ lực của các nhà thơ, không phải để mang lại lợi ích kinh tế cho người làm thơ, mà cho đời sống thi ca sống động hơn. Tuy nhiên, Nguyễn Quang Thiều phải thừa nhận, Việt Nam còn hạn chế trong truyền bá dịch văn học, quảng bá thơ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, nên nhiều nhà thơ xuất sắc của dân tộc khác chúng ta không biết tới, hiệu quả giao lưu chưa thực sự như mong đợi. Nhân Liên hoan thơ, nhà thơ Nga Nicolay Pereyaslov tranh thủ thông báo, Bài hát về cố hương của Nguyễn Quang Thiều-bài tủ nhà thơ thường đọc ở các liên hoan thơ quốc tế- được bạn đọc bình chọn bài thơ nước ngoài hay nhất dịch sang tiếng Nga năm 2011. Thời gian gần đây, Trung tâm dịch thuật văn học của Hội Nhà văn bước đầu chuyển ngữ một số tác phẩm xuất sắc của văn học nước nhà từ cổ điển đến đương đại, giới thiệu đến bạn bè nhiều nước. Là người đóng góp nhiều cho quảng bá thơ ca Việt Nam sang Ba Lan, nhà thơ Lâm Quang Mỹ chia sẻ: “Để nước ngoài cảm nhận văn học Việt Nam như thế nào, chắc chắn cần phải đẩy mạnh đội ngũ dịch thuật. Hơn nữa, hàng năm các nước có hàng chục hội thảo, liên hoan thơ lớn nhỏ. Ba Lan dân số 38 triệu dân, họ có 4 nhà văn đoạt Nobel trong đó có 2 nhà thơ. Họ có thể được xem là cường quốc về văn chương. Đỉnh núi cao không thể có ở đồng bằng, chính vì thế mặt bằng thơ của ta phải nâng cao hơn nữa, mới mong có đỉnh núi như thế”. Sắp tới, Lâm Quang Mỹ sắp xuất bản tuyển hơn 200 bài thơ Mới sang tiếng Ba Lan, sau tập thơ dịch cổ điển thành công thời gian trước. |