Hoành tráng nhưng còn vài hạt sạn

Hoành tráng nhưng còn vài hạt sạn
TP - Lần đầu tiên, nghệ sĩ mỹ thuật trẻ trên cả nước hội tụ trong một hoạt động “hoành tráng” (cách gọi nhiều ẩn nghĩa trong giới) mang tên Festival Mỹ thuật trẻ 2011. Cuộc thi này mang ý nghĩa tích cực, được tổ chức công phu, nhưng cũng để lại vài điều tiếng.

Festival Mỹ thuật trẻ 2011:

Hoành tráng nhưng còn vài hạt sạn

Trình diễn giữa thánh thần và rác rưởi
> Hội Mỹ thuật ủng hộ họa sĩ trẻ

Những con số thú vị

Năm 2007, Festival Mỹ thuật trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với quy mô nhỏ, số lượng nghệ sĩ hạn hẹp. Còn lần này, Festival Mỹ thuật trẻ 2011 - hoạt động nghệ thuật dành cho những nghệ sĩ mỹ thuật từ 18-35 tuổi trên cả nước – đã quy tụ gần 500 tác giả, với trên 950 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video-art. Theo Ban Tổ chức, có 44/63 tỉnh, thành phố có tác giả gửi ảnh, hồ sơ tác phẩm tham gia. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì, hai khu vực miền Trung & Tây Nguyên và khu vực phía Nam có số tác phẩm tham gia khá ít (lần lượt là 197 và 133), nghĩa là cả hai khu vực này, số tác phẩm tham gia Festival cũng chỉ bằng hơn nửa số tác phẩm của nghệ sĩ phía Bắc (với 623 tác phẩm).

Cơ cấu này tiếp tục được phản ánh qua số tác giả, tác phẩm 3 khu vực được chọn lọc trưng bày tại Festival (Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội). Trong tổng số tác giả là 136 với 155 tác phẩm, khu vực phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra) đã có đến 95 tác giả (109 tác phẩm), còn miền Trung và Tây Nguyên (các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên) chỉ có 21 tác giả (với 24 tác phẩm); phía Nam (các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào Cà Mau, trong đó có một trung tâm mỹ thuật là TPHCM) thì chỉ có 20 tác giả (với 23 tác phẩm). Phải chăng mỹ thuật nói chung và số lượng cũng như chất lượng nghệ sĩ mỹ thuật trẻ phía Bắc là vượt trội, thậm chí có thể dùng từ áp đảo?

“Phượt 2” - Nguyễn Quang Hải
“Phượt 2” - Nguyễn Quang Hải.

Tìm hiểu qua các con số dưới một góc độ khác, cũng có đôi điều thú vị. Nghệ thuật đương đại với các loại hình sắp đặt (installation art), trình diễn (performance art), video art, body art... trong những năm gần đây phát triển rất mạnh. Nhưng số lượng tác phẩm có mặt tại Festival thì rất ít: sắp đặt: 13, video art: 3, trình diễn: 2 (thể lệ của Festival chỉ chấp nhận 3 loại hình này). Phía Nam hoàn toàn vắng bóng trong cuộc chơi nghệ thuật đương đại lần này nhưng lại có một đại diện trong Ban giám khảo - nghệ sĩ, giám tuyển độc lập (về nghệ thuật đương đại) Như Huy. Đằng sau hiện tượng này là gì nhỉ?

Cũng có thêm một con số thú vị: Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 24 tác phẩm, nhưng trong đó có tới 6 tác phẩm sắp đặt và 2 tác phẩm video art!

Lình xình giám khảo và cách chấm điểm

Trước khai mạc khá lâu, Ban tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ 2011 đã tổ chức họp báo và gặp gỡ một số nghệ sĩ trẻ. Khi nghe công bố thành phần Ban giám khảo, nhiều nghệ sĩ tỏ ra thất vọng. Đành rằng trong nghệ thuật, hình như ai cũng coi mình là độc sáng, nhưng đáng kể là một diễn đàn lớn của dân mỹ thuật đã đưa vấn đề lên và nghệ sĩ vào bàn tán khá xôm tụ. Ý kiến chung lo ngại, trong hội đồng được coi là “hoành tráng” này, có một số nhân vật hoặc là không còn sáng tác nữa, hoặc là sáng tác không lấy gì là xuất sắc, thậm chí có người chưa bao giờ vẽ một cái tranh, nặn một cái tượng (vì làm ngành khác)… Và dư luận đặt câu hỏi: “Liệu điều đó có ảnh hưởng tới chất lượng nghệ thuật của festival?”.

“Chờ xử lý” - Đỗ Trung Kiên
“Chờ xử lý” - Đỗ Trung Kiên.

Cũng trong buổi họp báo này, khi nghe thể lệ rằng: các tác phẩm trình diễn phải gửi video clip để duyệt, nhiều nghệ sĩ đã phản ứng, rằng cách làm như vậy là không đúng với tinh thần của loại hình nghệ thuật này. Bởi tác phẩm trình diễn là loại tác phẩm đa phần chỉ thực hiện một lần, trong không gian cụ thể, với công chúng tại chỗ. Hành vi trình diễn của nghệ sĩ mang tính ứng biến và tương tác rất cao, hoàn toàn không phải một tiểu phẩm kịch hoặc tác phẩm múa (vốn có tính cố định, sân khấu). Có lẽ vì vấn đề này, nên số lượng nghệ sĩ tham gia đã giảm đáng kể? Người viết bài này đã chứng kiến cuộc gặp của một số nghệ sĩ trẻ, họ quyết định không tham gia và còn định tự tổ chức “một festival bụi”. Nhưng ý định bất thành.

Tuy nhiên, khâu duyệt tác phẩm trình diễn sau này không hoàn toàn như vậy. Theo nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh, anh chỉ đưa tới Ban tổ chức một sơ đồ phác qua ý tưởng và trước khi trình diễn, anh đến sân Triển lãm Vân Hồ vẽ một số hình phù hợp với tác phẩm của mình, và chẳng thấy ai hỏi han gì cho đến khi trình diễn.

Sau khi hai tác phẩm trình diễn (của Lê Nguyên Mạnh - Hà Nội và Nguyễn Văn Hè - Huế) hoàn thành. Họ nhận được yêu cầu của Ban Giám khảo là: gửi ngay video clip quay lại cuộc trình diễn để chấm. Lý do là nhiều thành viên giám khảo không kịp xem trình diễn (?!). Điều này khiến các nghệ sĩ trình diễn có và không tham gia festival đều ngạc nhiên và bất bình.

Dư luận chưa kịp hạ nhiệt, thì lại nổ ra nghi án đạo tranh. Tác phẩm “Chờ xử lý” của Đỗ Trung Kiên đang bị coi là nhái tác phẩm “Phượt 2” của Nguyễn Quang Hải (xem ảnh). Quả thật, hai tác phẩm này giống nhau về bố cục và hình tới trên 80%. Nghe đâu, đầu tuần tới Ban tổ chức sẽ phải họp để giải quyết chuyện này. Không biết kết quả cuối cùng ra sao.

Về giải thưởng, hiện đã có quyết định của Bộ VH-TT&DL với một giải nhất; Hai giải nhì và 4 giải ba cùng 10 giải khuyến khích. Người đoạt giải nhất là Lê Trần Hậu Anh - Hà Nội với tác phẩm “Trái đất xanh” (video art). Được biết, nghệ sĩ này là con trai họa sỹ Lê Anh Vân - Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật VN. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng có một hệ thống giải nhưng công việc chấm giải sẽ được tiến hành trong tuần tới.

Bên cạnh vài hạt sạn đã nói trên, nhìn lại tổng thể, Festival Mỹ thuật trẻ 2011 được dư luận đánh giá khá tốt. Nhiều họa sĩ có uy tín nhận xét: Nó thú vị và có chất lượng hơn nhiều cuộc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Festival Mỹ thuật trẻ 2011 khai mạc 16h30 ngày 28-11-2011 tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - số 02 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội và kéo dài đến ngày 10-12-2011. Chiều 9-12-2011 diễn ra lễ bế mạc và trao giải cho các tác giả.

Festival do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, các tác giả trẻ tuổi từ 18-35 trên cả nước đều được quyền tham dự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG