Khi cả nước thi hát

Khi cả nước thi hát
TP - Cặp đôi hoàn hảo đang vào hồi chung kết dường như là bức tranh thể hiện khá rõ những góc cạnh của làng giải trí Việt hiện nay- từ hình thức tổ chức đến nội dung chương trình, các nhân vật chính và hiệu ứng khán giả.

Cặp đôi Hoàn hảo: Không có dàn xếp kết quả
> Nhà tổ chức 'Cặp đôi hoàn hảo' trả lời nghi án dàn xếp
> Ai chiến thắng cặp Đôi Hoàn Hảo?

Từ Cặp đôi hoàn hảo giai đoạn cuối

Cặp đôi hoàn hảo có nhiều nét giống Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars- Nhảy với sao) và một số chương trình khác bởi các chương trình này đều do Simon Cowell - trùm ngành giải trí truyền hình, phù thủy sáng tạo các game show xây dựng. Khi mua cấu trúc để sản xuất tại Việt Nam, bên cạnh việc phải đúng nội dung, nhà sản xuất cũng bê luôn cách mà các nhà sản xuất kia thực hiện.

Đó là kéo những gương mặt quen của các chương trình trước: Vietnam Idol hay Bước nhảy hoàn vũ tham gia. Bởi thế những Siu Black, Lê Hoàng, Hồ Hoài Anh, Lê Quang, Đức Huy… giờ lại tiếp tục làm giám khảo dù ít hay nhiều.

Tại Cặp đôi hoàn hảo, các giám khảo vẫn chỉ làm công việc quen thuộc là nói, xem ra chẳng khác công việc của những chương trình trước: “Tôi thấy…” “Tôi không thích…” hoàn toàn cảm tính, ít tính chuyên môn. Chưa kể MC Phan Anh của Vietnam Idol 2010 Đoan Trang, gương mặt của hai mùa Bước nhảy hoàn vũ giờ lại tiếp tục tham gia với vai trò MC và thí sinh.

Về chuyện người nổi tiếng hát. Thập niên 90 thế kỷ trước, thời của phim mỳ ăn liền, diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh…cũng thường xuyên lưu diễn các tỉnh. Họ là diễn viên điện ảnh, lưu diễn sân khấu thì lưu diễn cái gì? Thì giao lưu, nói chuyện đời rồi hát vài câu. Dĩ nhiên họ hát chẳng được như ca sỹ (có nữ diễn viên nổi tiếng thời đó còn bị báo chí kêu là giọng mèo hen) nhưng vẫn lưu diễn thường xuyên bởi khán giả đến không phải để nghe giọng hát của họ.

Sau đó chục năm, nhiều người mẫu, hoa hậu cũng lấn sân ca nhạc: Hà Kiều Anh, Ngô Mỹ Uyên, Hiền Mai, Giáng My, Trịnh Kim Chi... Phòng trà sang trọng Tiếng Tơ Đồng (TPHCM) còn làm hẳn những đêm nhạc mang tên Người đẹp hát.

Các ông bầu sân khấu nhảy ra kinh doanh chương trình Tiếng hát các danh hài, quy tụ nhiều danh hài cùng hát thay vì chỉ tấu hài. Nhiều đến mức có báo kêu lên: “Chắc mai mốt sẽ có cả Tiếng hát các huấn luyện viên hay Tiếng hát của những quả bóng Vàng”. Nghĩa là cứ ai nổi tiếng bất cứ lĩnh vực gì đều có thể hút khách nhờ…. hát.

Cái mới cái lạ dù được lăng xê, quảng bá rầm rộ đến đâu rồi cũng nhạt đi. Đa phần người đẹp đều có giọng hát ở mức trung bình yếu, danh hài thì hát mà như đang... tấu hài. Khách ít dần, các ông bầu cũng tự nguyện bỏ chương trình.

Và vài năm gần đây, một số đài truyền hình mở các game show Hát cùng ngôi sao, Giao lưu với thần tượng ca nhạc… nói chung chỉ để mọi người thể hiện giọng hát cùng ngôi sao ca nhạc. Đến Cặp đôi hoàn hảo, thêm một lần nhà tổ chức đánh vào sự tò mò vốn chẳng mới của khán giả. Có chăng ở cuộc này cái cũ ấy được làm bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Còn hiệu quả ra sao?

Đến công nghệ giải trí thời Idol

Trước Vietnam Idol, từng có nhiều cuộc thi âm nhạc hình thức nhiều nét giống Idol. Đó là thí sinh phải hát theo nhiều phong cách, giám khảo ngồi dưới nhận xét, đánh giá. Công nghệ viễn thông phát triển cũng góp phần qua việc nhắn tin bình chọn.

Cho tới thời điểm này, hình thức tổ chức mang phong cách Idol vẫn tồn tại gần như trong tất cả các live show lớn, từ chương trình dành cho thiếu nhi như Đồ- Rê- Mí đến Tiếng ca học đường (HTV), Hương mùa thu (VTV), Tiếng hát mãi xanh (HTV)…Đó là chưa kể Sao Mai điểm hẹn, Sao Mai, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, vân vân.

Tuy nhiên đó chỉ là hình thức bề ngoài, còn đi sâu vào nội dung mới thấy sự khắc nghiệt và áp lực lớn đến cỡ nào cho thí sinh mỗi cuộc. Những năm 90 thế kỷ trước, thị trường giải trí truyền hình mới manh nha tại Việt Nam, các cuộc thi thường chia làm nhiều vòng, mỗi vòng có một số thí sinh bị loại. Nhưng khi áp dụng công nghệ mới, các cuộc thi biến thành cuộc cạnh tranh của một nhóm thí sinh.

BTC chọn những thí sinh tiêu biểu, cho họ lần lượt thi qua hết vòng nọ tới vòng kia và tỷ lệ bị lọai thường rất thấp, thậm chí có cuộc, BTC còn định sẵn một số thí sinh nhất định và kéo họ thi đủ mọi vòng, mỗi vòng một thể lọai do BTC nghĩ ra.

Để thành công trong mỗi vòng thi, thí sinh phải khổ luyện trong thời gian ngắn. Như Vietnam Idol, chỉ có 3- 4 ngày để tập luyện một bài hát mới, vòng cuối phải tập 2 bài. Còn tại Bước nhảy hoàn vũ, thí sinh phải tập 1- 2 điệu nhảy trong 1 tuần.

Thời gian cực ngắn để hòan thành một tiết mục mới khiến phải quay cuồng, dốc hết sức lực. Với thí sinh tự do như tại Vietnam Idol còn đỡ, chứ Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo, thí sinh đều có nghề khác, thời gian tập luyện bị chi phối.

Diễn viên Đại Nghĩa, thí sinh Bước nhảy hoàn vũ kể: “Một ngày tôi chỉ tập được có vài tiếng vào buổi tối bởi còn phải đi đóng kịch, đóng phim, làm MC. Đó là công việc chính của tôi và thi Bước nhảy hoàn vũ chỉ cho vui. Cho vui không có nghĩa là dễ dãi. Bởi thế có lúc tôi đã kiệt sức, ngã gục ngay giữa buổi tập. Nhưng vẫn không dám nghỉ vì danh tiếng của mình. Ra thi ai cũng nghĩ mình nhảy đẹp, nhảy giỏi, nào biết đâu phải cắn răng vì đau, không ít lần phải dùng đến thuốc giảm đau”.

Để nâng cao chất lượng, nhà tổ chức mời chuyên gia thanh nhạc, vũ công giúp sức. Thí sinh được tâp luyện thì quá tốt nhưng người không có cá tính sáng tạo thì dễ mất đi sự sáng tạo riêng. Trường hợp tạo dấu ấn riêng của Uyên Linh tại Vietnam Idol 2010 là hiếm hoi. Còn lại qua bao nhiêu cuộc thi hát, người ta chỉ nghe được những giọng ca hao hao, cách xử lý tương tự nhau. Tất cả trở thành những bản photocopy của nhau, khó ai phân biệt được giọng từng người sau khi cuộc thi kết thúc.

Tại Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo, người ta thấy nhiều tiết mục dự thi thậm chí chẳng nhảy, chẳng hát bao nhiêu. Như đêm chung kết Bước nhảy hoàn vũ 2011, Thủy Tiên chẳng nhảy bao nhiêu mà toàn thấy các phụ diễn nhảy, rồi trong các đêm thi Cặp đôi hoàn hảo, khán giả nghe giọng của nhóm bè Cadilac to hơn, nhiều hơn so với giọng thí sinh.

Thí sinh có giọng ca tệ hại lại bày các chiêu trò như đóng kịch, giả giới tính để hút khán giả chứ hát hò được mấy. Rất tiếc những chiêu trò kiểu như vậy lại được đánh giá cao và khán giả (thậm chí ban giám khảo) quên béng phần chính của cuộc thi. Nhà tổ chức biết chuyện đó không? Chắc chắn biết là cuộc thi đã đi sai mục đích nhưng vì có nguồn tài trợ, quảng cáo chen kín chương trình và đã thu khoản tiền lớn từ tin nhắn bình chọn nên cứ để mặc! Chỉ khán giả trân mình chịu trận.

Đàm Vĩnh Hưng và Kim Thư- được hay mất qua “Cặp đôi hoàn hảo”?
Đàm Vĩnh Hưng và Kim Thư- được hay mất qua “Cặp đôi hoàn hảo”? .

Và hệ lụy

Nhạc sỹ DL khi mới từ nước ngoài trở về đã rất ngạc nhiêu khi thấy ở Việt Nam những tụ điểm sân khấu ca nhạc có ở khắp nơi. Anh còn ngạc nhiên hơn khi nhiều ca sỹ dù đang ở đỉnh cao vẫn hát ở những sân khấu bình dân nhất.

Và khán giả, dù ít tiền vẫn có thể gặp gỡ, nghe các ca sỹ nổi tiếng hát trực tiếp. “Đây là điều khá lạ vì trên thế giới, những ca sỹ nổi tiếng thường hát ở những nơi nhất định để khẳng định giá trị của mình. Còn ở Việt Nam, ca sỹ bình dân hết mức, bạ chỗ nào cũng hát” – DL nói.

Ca sỹ thế giới cũng đi hát để kiếm tiền nhưng họ kiếm tiền theo cách riêng, nghĩa là nhận hát ở nơi xứng đáng, nhận số tiền xứng đáng. Một năm có thể họ đi hát vài lần nhưng cát sê nhận được phải là con số lớn. Thời gian còn lại đầu tư tập luyện, sáng tạo nhằm khẳng định đẳng cấp.

Còn ở Việt Nam, ca sỹ tập luyện ít, dành thời gian để đi hát kiếm tiền là chủ yếu. Ca sỹ thành danh hay không - được đánh giá nhờ số sô diễn hằng đêm và số tiền cát sê từng sô.

Ca sỹ hàng TOP nhất Việt Nam được chừng năm chục triệu/sô hát vài bài, một đêm diễn 5 điểm thì số tiền quá khá. Rồi còn hát event (sự kiện) cho các công ty, hát sinh nhật đám cưới cho các đại gia, nói chung ca sỹ hát tất miễn là có tiền!

Năng nhặt chặt bị, miệt mài hát qua ngày qua tháng chỉ mấy bài hát tủ, ca sỹ hạng bèo cũng mua được nhà, sắm được xe giữa Sài Gòn đắt đỏ. Còn ca sỹ hàng đỉnh thì khỏi nói, đóng thuế thu nhập chỉ vài chục triệu đồng và thừa tiền để mua nhà vài triệu đô, mua biệt thự vài ngàn cây rồi đập đi xây lại cả ngàn cây nữa.

Sự giàu có của giới ca sỹ đã khiến những cuộc thi hát trở lên đắt khách, mỗi lần tổ chức có hàng ngàn thí sinh đăng ký, năm sau đông hơn năm trước. Người thi rớt thì sang năm thi lại hay chạy qua thi cuộc khác. Người thi đậu, có chút tiếng tăm thì vội vã lao vào cuộc đua kiếm tiền y hệt ca sỹ đi trước.

Công nghệ đào tạo siêu tốc từ cuộc thi không giúp cho họ nâng cao chất lượng giọng hát mà giúp họ khai thác thị trường giải trí theo cách nhanh gọn. Nghĩa là lại tập tành vài ca khúc tủ rồi chạy sô. Vài người khác trong giới giải trí, có một chút tiếng tăm cũng nhảy vô làm ca sỹ. Giọng còn yếu ư? Công nghệ điện tử nâng tầm dễ ợt.

Thủ thuật hát nhép, hát nhờ nhóm bè, hát mà nhạc đệm át đi cả giọng, hay lấy vũ đạo, khoe cơ thể gợi cảm để khán giả xem là chủ yếu. Những chiêu trò giải trí được trợ lý- những tay cao thủ trong làng giải trí lôi ra áp dụng triệt để trên sâu khấu. Đó là chưa kể những thủ thuật PR đánh bóng ngoài sân khấu như khoe hàng, nói xấu nhau để tạo scandal. Tất cả chỉ để thu hút khán giả.

Tất cả những điều đó đang làm nên một thị trường giải trí bát nháo. Người có thực tài, muốn khẳng định bằng thực tài phải né xa, nếu không cũng lao vào cuộc đua sặc mùi tiền này. Còn khán giả thì bị thị hiếu tầm thấp chinh phục dần, dẫn đến việc trở thành nạn nhân của những trò giải trí rẻ tiền kia mà không biết. Thị trường giải trí Việt cứ năm này qua năm khác quanh quẩn như thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG