Nếu sách giáo khoa lớp 10 lược bỏ đoạn Cám bị làm mắm gửi về cho dì ghẻ xơi, thì cuốn Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất (NXB Mỹ thuật- 2011) còn mạnh tay cắt hơn: “Mẹ con Cám thấy Tấm trở về, có phần xinh đẹp hơn trước và vẫn được vua yêu thương như xưa. Hai mẹ con xấu hổ, sợ hãi, vội trốn đi biệt tích. Kể từ đó không ai nhìn thấy họ nữa”.
Như vậy hành động dội nước sôi và làm mắm kẻ từng nhiều lần giết mình của Tấm đã đến lúc bị phán xét và xem chừng không được người đương thời chấp nhận. Tác giả Phan Hải Triều từng phát biểu trong một bài báo vào năm 1996 rằng đoạn kết của Tấm Cám là “mô-tip quá xa lạ với tư duy xử thế của người Việt, nó xuất hiện duy nhất có một lần trong toàn bộ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi cũng cho rằng: “Cái ác trong kết cục Tấm Cám- một hành vi trả đũa có phần hả hê nhưng cũng gớm ghiếc - lại gần như là một mô-tip du nhập từ ngoài tới chứ không phải nội sinh”. Nhưng như thế không có nghĩa là dị bản nước ngoài có quyền “gớm ghiếc”, mà mọi sự gớm ghiếc kể cả trong cổ tích hẳn đều có nguyên do của nó.
Có lẽ vì cốt truyện quá hay, phù hợp với tâm lý con người nói chung nên những truyện kiểu Tấm Cám đã được phổ biến khắp thế giới với các cách kể khác nhau. Lọ Lem (dịch từ Cinderella- nghĩa là Tro Bếp) chính là một trong những bản kể nổi tiếng nhất. Ngay các bản kể của người Việt cũng đã có nhiều điểm lệch nhau không biết đâu mà lần. Chẳng hạn trong Tấm Cám G.Jeanneau tìm thấy ở Mỹ Tho năm 1886, Tấm- Cám là chị em sinh đôi. Trong bản do A.Landes sưu tầm ở Nghệ An cùng năm đó, tên của hai nhân vật còn được tráo cho nhau- Cám mới là chị.
Từ việc sinh đôi, giống nhau, nên Cám mới dễ bề thế thân Tấm đột nhập cung vua. Việc Tấm bày cho Cám cách làm trắng da chết người bắt nguồn từ việc Tấm từng bị mẹ con Cám giết cũng bằng nước sôi- chặt cau rơi vào hố nước sôi (theo logic, cách này chắc chết hơn so với việc rơi xuống ao). Vì thế khi Cám hỏi Tấm sao trắng thế, Tấm mới “thật thà” trả lời, do ngày xưa chị bị em dội nước sôi. Đây có thể là cách để Tấm nhắc nhở Cám về tội ác của cô ta, nhưng Cám vẫn không có động thái hối cải, mà chỉ bị ám ảnh bởi chuyện làm đẹp, nên thiếu sáng suốt dẫn đến thảm cục. Theo người Thái thì “Cám” còn tự nấu nước nhờ chị dội lên người mình. Còn trong truyện của người Toscane (Ý), mụ dì ghẻ mới là người dội nước sôi giết chính con mình, do ban đầu mụ định dội vào cô chị nhưng hoàng tử đã tráo cô em vào.
Trong nhiều khảo dị ở khắp nơi, “Tấm” cũng không phải là tác giả của hũ mắm. Vẫn ở Ý nhưng dân đảo Sicile lại cho vua sai làm mắm “Cám” gửi về cho dì ghẻ, nói là “mắm cá thu”. Mụ thấy đầu lâu con gái mình thì cũng không “lăn đùng ra chết” ngay theo kiểu Việt Nam mà còn phải đập đầu vào tường. Có thể thấy trong bản Tấm Cám vẫn thịnh hành (cho đến khi bị chính thức sửa), một số chi tiết phía trước đã bị lược bỏ nên hành động tắm trắng bằng nước sôi hay làm mắm thịt người phần nào thiếu căn cứ, nên dần dần có nguy cơ bị bật ra khỏi truyện.
Ở một số khảo dị nước ngoài, mụ dì ghẻ còn được đánh đồng với phù thủy, yêu tinh ăn thịt người, nên việc mụ (vô tình) ăn thịt người ở cuối chuyện cũng đỡ sốc. Theo các nhà nghiên cứu thì ngay việc ăn thịt các hóa thân của Tấm hoặc mẹ Tấm (theo một số khảo dị, thì con cá chính là hóa thân của mẹ nhân vật nữ chính) cũng là dấu vết rơi rớt của việc ăn thịt người. Ăn người nên bị người ăn lại âu cũng là thường tình... trong cổ tích.
Còn nhớ, lúc bé khi được nghe kể Tấm Cám, đến đoạn kết, tôi cũng thấy gợn gợn, sao cô Tấm có thể nghĩ ra hành động dã man như thế. Nhưng mọi người xung quanh không lấy thế làm điều, và tôi rồi cũng tiêu hóa được cái kết đó. Cô Tấm trong tôi vẫn tiếp tục là hiện thân của cái Thiện. Thiện không có nghĩa là cứ tạo điều kiện cho người ta làm ác mãi...
Có thể con người ngày nay nhạy cảm hơn hoặc thiện hơn chưa biết chừng, nên họ dễ thấy phản cảm với đoạn kết của “Tấm Cám”. Đành rằng truyện cổ tích là sản phẩm dân gian, công trình tập thể và ta có thể kể lại tùy thích, miễn sao cho hay. Nhưng sáng tạo dựa trên bản gốc không có nghĩa là thêm bớt một cách tùy tiện. Không biết việc cắt bỏ vài dòng kết của Tấm Cám có kịp ảnh hưởng tích cực tới việc hình thành nhân cách của học sinh lớp 10 ngày nay không, nhưng theo tôi tuổi đó đã cần phải có một cái nhìn khái quát hơn, khoa học hơn. Thay cho việc biên tập thô bạo cái kết theo ý chí của thời hiện đại, chi bằng trình bày cho các em sự phong phú của các khảo dị và sự hình thành nên bản “Tấm Cám” của người Việt hiện nay. Từ đó các em có thể chọn một biến thể “Tấm Cám” theo mong muốn để sau này kể cho con cháu mình.