Giờ đây tất cả đã lùi xa, Đàm Liên đang sống những ngày vắng vẻ: “Cười một mình, khóc một mình… yêu cũng một mình, đó là thân phận của những diễn viên Tuồng như tôi”.
Đàm Liên trong Ông già cõng vợ đi xem hội!. |
Khổ vì yêu “giai ngoại”
Đàm Liên biết yêu lần đầu năm 14 tuổi. Khi đó bà đang là học sinh Trường Miền Nam (Hải Phòng), tập kết ra Bắc. Nhờ xinh xắn, múa đẹp, thiếu nữ Đàm Liên làm say đắm trái tim bao người. Trong số đó có chàng thủy thủ người Ba Lan. Sau buổi diễn, chàng kéo nàng ra góc khuất, đặt lên môi chiếc hôn...
Từ đó, ngày ngày chàng ra cổng trường để gặp nàng. Chàng và nàng trò chuyện qua song sắt, ai cũng trông thấy. Rồi chàng về nước, “người đẹp” khóc như mưa. Suốt 5 năm trời, chàng thuỷ thủ si tình vẫn đều đặn gửi thư cho Đàm Liên. Và cái tên Đàm Liên bị gắn mác “đa tình” từ ấy.
Nhiều năm sau, Đàm Liên ra trường, nàng lại yêu, lần này là một anh phiên dịch, người Việt. Nhưng mối tình chưa đi đến đâu đã tan, khi trái tim đa cảm gặp “chuyên gia múa” (chữ dùng của Đàm Liên-PV) người Liên Xô cũ. Người đàn ông ngoại quốc say cô diễn viên Đàm Liên từ vai Ái Nương trong vở Trần Bình Trọng. Nàng diễn cái chết của Ái Nương thật tuyệt vời khiến chàng “chết” theo.
Còn Đàm Liên lại say ngón đàn piano điêu luyện cùng điệu múa thiên nga mê hoặc của chàng. Trọng tài nhau, hai tâm hồn đồng điệu đến với nhau, mặc cho anh phiên dịch bị phụ tình gây giông bão đòi lại người yêu. Vì chuyện này, “chuyên gia múa” bị kỷ luật phải về nước.
Trước khi về, chàng vẫn mời Đàm Liên tới xem vở “Hồ thiên nga” do chàng chỉ đạo. Nàng được ngồi ở hàng ghế trang trọng, cạnh chàng, tay chàng sờ vào chiếc cúc áo phía trái ngực như muốn nhắc “Em luôn trong trái tim tôi”.
Chàng về nước, nàng cũng phải viết bản kiểm điểm đôi lần, hình phạt nặng nhất là khai trừ ra khỏi Đoàn. Chuyện này đến bây giờ Đàm Liên vẫn ấm ức, theo bà, yêu không có tội: “Mà có làm gì đâu, đến hôn nhau là hết”. Mệt mỏi vì chuyện yêu đương, Đàm Liên quyết định lấy chồng ở tuổi 28.
“Chồng già, vợ trẻ” vẫn vui
“Nực cười nhạc sỹ Vĩnh An- Bỏ ra Hà Nội vì nàng Đàm Liên”, dân trong nghề đã đùa như vậy, khi Vĩnh An quyết định chuyển công tác ra Hà Nội để “trồng cây si” với cô diễn viên Tuồng xinh đẹp, tài năng. Thoạt đầu, Đàm Liên không yêu tác giả “Đi tìm người hát lý thương nhau” nhưng cũng gật đầu “lên xe hoa” với Vĩnh An, chỉ vì “ông chu đáo, chăm sóc tôi từng li, từng tí”, cũng bởi vì “trông ông cao lớn, tôi ưng mắt”.
Tiêu chí “cao lớn” được Đàm Liên đề cao, bởi bà mong ước, con cái sau này sẽ cao hơn mẹ. Vượt qua mọi lời đàm tiếu về sự chênh lệch tuổi tác, hình thức, hai người vẫn đến với nhau. Họ có một cô con gái xinh đẹp, nhạc sỹ đặt tên con từ tên vợ chồng: Yên Lan.
Nói về người chồng đã khuất, NSND Đàm Liên còn nguyên cảm giác biết ơn: “Tôi là một diễn viên Tuồng, lấy chồng là một nhạc sỹ lại sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Sơn, Bình Định- quê hương Tuồng, quả là một thuận lợi. Anh dạy tôi những làn điệu dân ca miền Trung, uốn cho tôi từng câu chữ, từng kiểu luyến láy. Có những lúc tôi hát một câu Tuồng, đang nấu cơm anh vẫn chăm chú lắng nghe rồi góp ý cho tôi nên hát thế nào cho rõ lời và hay hơn” (trích tự truyện “Phía sau ánh hào quang”-NSND Đàm Liên).
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật Tuồng ở mảnh đất Phú Yên, bà là nghệ sỹ Tuồng đầu tiên sắm hai vai trong một vở (“Ông già cõng vợ đi xem hội”). Vở diễn này đã “đóng đinh” tên tuổi của bà, đã đạt mức kỷ lục, trên 2.000 đêm diễn. Đàm Liên cũng được xem là “Bà chúa của tiếng cười” với công trình Mười sáu tiếng cười trong nghệ thuật Tuồng. |
Vai diễn để đời “Ông già cõng vợ đi xem hội” đáng ra bà không nhận, vì nghĩ người ta “chơi xỏ” mình nên mới giao cho một vai na ná ngoài đời. Về nhà, kể chuyện cho chồng, ông chồng lớn tuổi khuyên bà nên nhận, bởi đó là vai diễn hay và khó, là mảnh đất tốt để trổ tài.
Nghe lời chồng, bà nhận vai. Vô cùng khó khăn vì cùng lúc phải diễn hai vai: Cô vợ trẻ, ông chồng già. Bước đi xiêu vẹo của ông chồng 80 tuổi khi cõng nàng xuân phơi phới, bà học được khi thử cõng mẹ mình. Còn tiếng cười của ông già bà học từ tiếng cười ồm ồm của chồng.
Theo Đàm Liên, nhạc sỹ Vĩnh An là người có tiếng cười giàu trạng thái cảm xúc. Nghe tiếng cười của ông có thể đoán được tâm trạng. Bà nổi tiếng với tiếng cười muôn màu muôn vẻ trong Tuồng, là nhờ chăm “nhặt” từ cuộc sống, từ người bạn đời, rồi chưng cất thành của riêng mình.
“Bà chúa của sân khấu Tuồng” “khai”: “Tôi rất dở việc bếp núc”. Hồi mới lấy nhau, bà từng “trổ tài” vào bếp, thưởng thức món ăn của “đầu bếp” Đàm Liên khiến nhạc sỹ phát hoảng. Từ đó ông đảm nhận luôn vai trò đáng ra thuộc về phụ nữ. Từ ngày nhạc sỹ đi xa, Đàm Liên chủ yếu ăn hàng.
Bà thuộc từng địa chỉ có món ngon bình dân. Đôi lúc chạnh lòng nhớ Vĩnh An, nhớ những bữa cơm gia đình đầm ấm nhưng bà vẫn không ưa chuyện bếp núc. Gần 70 mùa xuân, trông NSND vẫn “phong độ”: Tiếng cười phóng khoáng, cặp mắt sắc sảo thoáng nét lúng liếng đa tình. Vừa nhai kẹo cao su, bà giơ đôi tay, có những chiếc móng được tô vẽ cẩn thận, rồi cười mủm mỉm: “Nấu ăn làm chi cho mệt, lại hỏng tay”.
Trách chi những phút xao lòng!
Hỏi nhỏ: “ Khi còn sống với nhạc sỹ Vĩnh An, bà có ngoại tình?”. Không che đậy, bà kể thêm về một “giai ngoại”, người Đức, kém bà vài tuổi. Xem vở “Ông già cõng vợ đi xem hội”, anh đã mê luôn diễn viên. Trở về nước, anh gửi cho “người trong mộng” một khẩu súng bắn chim. Nhạc sỹ già đã “tóm” luôn món quà tặng, mang bán. Đàm Liên cười: “Ông ấy không ghen chuyện xưa, không đào bới quá khứ bao giờ nhưng với “tay” người Đức ông ấy có ghen”.
NSND Đàm Liên mới cho ra mắt cuốn sách “Phía sau ánh hào quang”, trong đó có một phần tự truyện. Sách xuất bản 500 cuốn, trong 10 ngày đã hết veo. Riêng Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nghệ sỹ Thuý Mùi đã mua 100 cuốn, học trò và đồng nghiệp cũng nhiệt tình ủng hộ. Bà định cuối năm hoặc đầu năm sau sẽ tái bản. NSND Đàm Liên cũng dự định viết cuốn sách thứ hai. |
Sau đó một dịp qua Đức biểu diễn bà có gặp lại chàng. Nhận được điện thoại của Đàm Liên, anh tới vội, cầm trên tay hộp chocolate tặng nàng, trước sự chứng kiến của nhiều đồng nghiệp. Và chuyện tình ấy, theo lời Đàm Liên, cũng chưa đi xa hơn chiếc hôn.
Hiện nay, những người tình xưa cũ của bà đang ra sao, bà không rõ. Nhưng những kỷ niệm về họ vẫn cháy trong ký ức của nghệ sỹ đa tình. Có khi cơn mơ làm bà bừng tỉnh giữa đêm: “Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, múa một mình, cười một mình, khóc một mình và yêu cũng chỉ có một mình là chuyện thường tình của một đời làm diễn viên Tuồng như tôi”.
Thắc mắc hỏi: “Được nhiều người yêu thế mà bà lại nói yêu một mình là sao”. Bà phá lên cười: “Yêu là yêu thế nhưng giờ còn ai ở lại với tôi đâu, không một mình thì sao?”. Dù tình yêu có mang đến nước mắt, đau khổ, bà cũng cảm ơn những người đàn ông đã đi qua cuộc đời: “Nhờ yêu nên trong tôi luôn có ngọn lửa đam mê”. Nhạc sỹ Vĩnh An đã về cõi vĩnh hằng hơn mười năm nay, không ít người đùa: “Bà ở vậy làm ni cô sao”.
Bà đáp: “Tôi chưa bao giờ đi tu thì thành ni cô sao được?”. Cũng đã có lần trái tim rung lên nhưng nhớ đến người chồng quá cố tận tâm bà lại nén mình phải quên. Kể đến đây, nữ nghệ sỹ ngân nga câu thơ của Hồng Thanh Quang: “Một mình sẽ một mình thôi/Bao câu chữ cũ hát chơi một mình/Hồng hoa đỏ cõi vô hình/Trái tim vỡ vụn như bình pha lê”.