> Vì sao hủy live show Chế Linh tại Hà Nội?
Chế Linh và ba con trai trên sân khấu thủ đô. Ảnh: N.M.Hà. |
Anh bạn ngồi hàng trên tôi gào lên: “Mùa xuân của mẹ!”. Chế Linh nghiêng tai một lát rồi nói: “Chế Linh nghe rõ khán giả bên này nói Mùa xuân của mẹ và bên này Thành phố buồn, Chế Linh xin hát Thành phố buồn vì Mùa xuân của mẹ chưa được cấp phép, xin hẹn anh dịp khác khi đã được cho phép”.
Có lẽ vì danh mục bài được cấp phép không nhiều nên Chế Linh hát cả những bài không hề là tủ của anh như Hòn vọng phu (Lê Thương), Đêm đông (Nguyễn Văn Thương). Điều này có thể thỏa mãn giới chuyên môn, giới tò mò, chứ khán giả khó tính như chị Vĩnh Hà bạn tôi (chung cư Hà Thành, Thái Thịnh) nhất định “không chấp nhận” vì “không phải Chế Linh”.
Trên mạng có clip Chế Linh trong một lần biểu diễn cho kiều bào ở Nga cách nay vài năm, kể chuyện vì sao anh sửa ca từ, bỏ đi phần lời chống miền Bắc của bài Nó. Những ca từ nhạy cảm của Trên bốn vùng chiến thuật cũng đã được chỉnh sửa, chẳng còn màu sắc chống phá ai nữa.
Cứ cho rằng đây chỉ là động thái nhằm dọn đường cho sự trở về (lần đầu vào năm 2007), cũng là cố gắng đáng ghi nhận của ca sĩ này, cùng với nỗi niềm đau đáu cho văn hóa Chăm, dân tộc Chăm. Anh cũng trả lời đơn giản, thuyết phục khi báo chí hỏi “còn khúc mắc gì với đất nước”.
Bản thân giọng hát này từng không được chính quyền Việt Nam cộng hòa tung hô, từng bị cấm vào năm 1972, do e ngại âm hưởng bi quan của nó ảnh hưởng tới lính tráng. Những người theo trường phái này gọi trại là “Chế Linh- Lính Chê”. (Còn ở miền Bắc thập kỷ 80, bài Chiều biên giới - tuyệt bút của Trần Chung từng có lúc bị coi là nhạc vàng, bị hạn chế phổ biến: “Chiều biên giới em ơi/ có nơi nào xanh hơn, như chồi non cỏ biếc như rừng cây của lá…”).
Dù sao mặc lòng, không ai phủ nhận Chế Linh là giọng ca vàng bolero có một không hai, không phải vô cớ có sức sống bền bỉ trong khán giả đến thế.
Đêm Chế Linh ở Mỹ Đình tháng trước kết thúc lúc hơn 11h, gần tiếng đồng hồ sau, hàng đoàn xe hơi vẫn cắn đuôi nhau gây ách tắc. Phần đầu của chương trình, Chế Linh hát và diễn hơi căng, không hiểu do hệ thống trang âm tệ, hay vì ca sĩ quá xúc động trước lượng khán giả có thể nói là “như mơ”. Càng về sau anh hát càng hay hơn hợp lý hơn, với cao trào Nụ cười chua cay cùng ba con trai Chế Phi, Chế Phong, Chế Khang.
Nếu như Tuấn Vũ được diễn ròng rã ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Thanh Tuyền ở Cung Văn hóa Hữu nghị, Nguyễn Cao Kỳ Duyên đâu cũng thấy, thì việc Chế Linh được hát ở Mỹ Đình không quá khó hình dung. Đi đâu rồi cũng trở về! Và đến như Phạm Duy còn trở về hoành tráng thế. Tuy vậy, không hiểu sao nhà tổ chức của anh lại phạm những sai lầm không đáng có như xin phép một đằng quảng cáo một nẻo, hát một số bài chưa được phép…
Hôm đó ở Mỹ Đình, Chế Linh tỏ ra rất biết giao lưu với khán giả, cả cách anh “xin phép cho ba cháu ra chào quí vị”, cách anh cảm ơn khán giả tặng hoa (khán giả nam nồng nhiệt hơn nữ, lạ thế)- cho thấy bản lĩnh sân khấu dày dạn. Tuy nhiên, như đã nói- âm thanh quá tệ, chát chúa, chỉ đến khi Tuấn Ngọc hát mới đỡ. Những tiết mục nhảy múa thì chẳng mấy ăn nhập.
Mở đầu, khán giả chờ đợi giọng hát ngọt ngào cất lên một câu “tủ” thay lời chào, thì hai MC lại sớm xuất hiện. Đức Huy không nói về Chế Linh mà lại chuyện trẻ dai đẹp lâu của Kỳ Duyên (tình huống thường thấy trên các chương trình Paris By Night), còn Kỳ Duyên toàn pha trò kiểu “bí quyết làm đẹp của tôi là mỗi năm căng da mặt hai lần và hút mỡ bụng một lần”. Vé, thẻ báo chí, băng rôn quảng cáo chương trình đều “có vấn đề” về văn hóa- lỗi này hy vọng không phải của Chế Linh?
Để được trở về trong hạnh phúc, sung sướng mà hát “Mười năm cách biệt tưởng tình đã cũ/ Mây bay bao năm tưởng mình đã quên”, Chế Linh có lẽ khỏi cần đến những MC nhất định cũng phải bê “ở bển” về mà lại không tự làm mới; không cần âm thanh hạng nặng mới mong đến được người nghe ở nơi xa nhất khán phòng.
Chăm chút kịch bản hoàn hảo hơn, và tránh những phiền phức hệ lụy không đáng có. Đừng làm khó nơi đã rộng lòng với anh, mới mong một sự trở về trọn vẹn- xứng với chờ đợi của khán giả. Còn nhà quản lý, sai đâu chỉ nên phạt đến đấy- nói như Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên. Bởi làm lớn chuyện e lại giảm đi mục đích tốt đẹp ban đầu. Nghe đâu khả năng Chế Linh được Hà Nội cấp phép lại- không khó khăn lắm.