Lê Hoài Nam, khách mời từ Hồng Kông của Dàn nhạc Giao hưởng

Lê Hoài Nam, khách mời từ Hồng Kông của Dàn nhạc Giao hưởng
TP - Khách mời của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong chuyến lưu diễn Mỹ lần đầu tiên (23 và 24-10) là nghệ sĩ Lê Hoài Nam - giảng viên Học viện Nghệ thuật Hồng Kông.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lần đầu lưu diễn ở Mỹ

Từ 2009, Nam có mặt trong tứ tấu RTHK do Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông thành lập và bảo trợ.

Anh từng cùng Dàn nhạc Trẻ châu Á đến Mỹ cách đây 11 năm. Cảm xúc trước chuyến đi Mỹ lần 2 thế nào?

Đây là dịp hết sức quý báu bởi dàn nhạc sẽ biểu diễn tại hai phòng hòa nhạc lớn là Carnegie Hall tại New York và Boston Symphony Hall- điểm đến mơ ước của hầu hết nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc của âm nhạc Việt Nam.

Với một nghệ sĩ solo, diễn ở đó xong, liệu sự nghiệp của họ có gì thay đổi?

Hiện nay nghệ sĩ đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới là việc rất phổ biến. Nhưng để có trải nghiệm tại hai phòng hòa nhạc lớn như vậy với riêng tôi là cơ hội rất quí báu và cũng là cột mốc ghi nhớ trong sự nghiệp. Và tôi nghĩ hầu hết nghệ sĩ trên thế giới cũng có chung ước muốn, trong sự nghiệp âm nhạc của mình sẽ có dịp biểu diễn tại hai phòng hòa nhạc này.

Trong quá trình học tập và làm việc ở Hồng Kong, anh có bao giờ phải đi làm thêm công việc gì ngoài âm nhạc?

Điều luật ở Hồng Kông không cho phép sinh viên đến từ nước ngoài làm việc có thù lao. Nếu có, chỉ là những hoạt động liên quan tới nghề nghiệp và do nhà trường đứng ra bảo lãnh.

Tác phẩm “Thăng Long” của Đàm Linh anh diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ở Mỹ có gì đặc biệt?

Tôi đã trình diễn tác phẩm này cùng dàn nhạc tại đại lễ 1000 năm Thăng Long và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Cá nhân tôi rất yêu thích tác phẩm này- ngôn ngữ âm nhạc rất mới lạ, có chiều sâu, phảng phất giai điệu dân tộc. Đây là tác phẩm đương đại với cấu trúc có phần phức tạp hơn các tác phẩm cổ điển thông thường, ngoài những vòng hòa thanh mới lạ, tác giả đưa cả những nhạc cụ mới vào. Đó cũng là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn tác phẩm khi ra nước ngoài biểu diễn: Mang được những nét tinh túy của dân tộc giới thiệu với khán giả thế giới.

Anh từng biểu diễn tác phẩm nào đương đại như hoặc hơn “Thăng Long”?

Tôi may mắn có nhiều cơ hội biểu diễn và đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong dàn nhạc, với các tác phẩm từ thời kì Baroque thế kỷ 17 cho tới những tác phẩm hiện đại mang tính thể nghiệm. Ví dụ đầu tháng 11 này, sau khi kết thúc chuyến lưu diễn tại Mỹ, tôi sẽ trình diễn tác phẩm của Steve Reich- một trong số những nhạc sĩ rất nổi tiếng hiện nay- viết cho tứ tấu đàn dây trên nền nhạc được thu âm sẵn bao gồm: Giọng nói, âm thanh tiếng tàu hỏa do máy tạo nên và một nhóm tứ tấu khác. Phần nhạc nền này sẽ được phát bởi hệ thống âm thanh đặc biệt, kết hợp với 4 nghệ sỹ biểu diễn sống. Tác phẩm có những yêu cầu chính xác, khắt khe. Tôi luôn cố gắng hướng tới mục tiêu biểu diễn nhiều tác phẩm ở mọi thể loại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.