Giỗ tổ tân nhạc Sài Gòn

Hôm nay, họ hát cho nhau nghe
Hôm nay, họ hát cho nhau nghe
TP - Ngày 9-9, tức 12-8 âm lịch, nhà hàng Phố Xanh (514 Lê Quang Định, Gò Vấp, TPHCM) nhộn nhịp hơn ngày thường với rất nhiều vị khách xuất hiện cùng đàn, trống, kèn. Họ là nhạc công, thành viên các nhóm, ban nhạc thường xuất hiện hằng đêm tại khắp các tụ điểm ca nhạc của Sài Gòn.
Hôm nay, họ hát cho nhau nghe
Hôm nay, họ hát cho nhau nghe.
 

Nhưng hôm nay họ về đây không phải để làm nghề, mà là trao đổi kinh nghiệm, vui buồn trong nghề. 12-8 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ của sân khấu cải lương. Dịp này được anh em tân nhạc TPHCM lấy làm ngày của mình từ 3 năm nay.

Theo các nhà nghiên cứu, theo các tư liệu lịch sử của bộ môn cải lương Nam Bộ, nhiều người coi Tống Hữu Định (1869-1932) là một trong những nhân vật khởi xướng và đóng góp vào sự hình thành, phát triển nghệ thuật ca kịch cải lương nói riêng, nghệ thuật sân khấu nói chung.

Tống Hữu Định hiệu Tịnh Trai, tục gọi là thầy phó Mười Hai vì ông làm đến chức phó tổng và là con thứ 12 của ông Tống Hữu Diên và bà Dương Thị Thái, quê thôn Tân Giai, tỉnh Vĩnh Long.

Ông nổi tiếng hào hoa, phong nhã, say mê âm nhạc dân tộc. Hàng tuần tại tư thất của ông là nơi hội họp nhiều tài tử ca nhạc cổ. Chính ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu hát carabo (thật sự là ca ra bô, nhưng thời đó viết chữ Quốc ngữ không bỏ dấu; cho nên có danh từ Carabo) tiền thân của nghệ thuật hát cải lương sau này.

Ông là người đứng ra vận động thành lập Hội Văn thánh tại thị xã Vĩnh Long trong năm 1900. Năm 1903, việc xây dựng hoàn tất. Trong buổi lễ khánh thành, ban tổ chức đã biểu diễn một loạt bài ca theo điệu Tứ đại, Vọng cổ mở đầu cho bộ môn ca kịch cải lương từ những năm 1914-1915. Và kể từ đó bộ môn này ngày càng phát triển làm phong phú thêm cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Năm 1932, ông mất tại Vĩnh Long, thọ 63 tuổi.

Trong ngày giỗ tổ, các thế hệ nhạc công, ca sỹ đã cùng nhau thắp hương tưởng nhớ Tống Hữu Định và những tiền bối đã có công khai sinh và gầy dựng nghệ thuật sân khấu ở miền Nam như André Thận, Kinh-lịch Quờn (hay Hườn), Phạm Đăng Đàng..., những bầu gánh, soạn giả, nhạc sĩ và các đào kép tài danh thuộc thế hệ đầu, như: Tư Sự (gánh Đồng Bào Nam), Hai Cu (gánh Nam Đồng Ban), Trần Ngọc Viện (gánh Nữ Đồng Ban), Trương Duy Toản, Ba Ðại, Hai Trì, Nhạc Khị, Năm Triều, Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), Nguyễn Tri Khương, Trần Văn Chiều (tự Bảy Triều), Ba Ðắc, Bảy Lung, Ba Niêm, Hai Nhiều, Hai Cúc, Năm Phỉ, Ngọc Xứng, Ngọc Sương, Phùng Há, Tư Sạng, Hai Giỏi, Năm Nở, Trần Hữu Trang, Tư Chơi, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nam…

Tại buổi gặp mặt, những thế hệ nhạc công, ca sỹ đã cùng hát cho nhau nghe, thay vì biểu diễn trước thiên hạ như công việc mưu sinh thường nhật. Có những nhạc công, nghệ sỹ “nhẵn mặt” ở các tụ điểm ca nhạc hằng đêm như quái kiệt guitar Châu Hendrix (vì chơi đàn tay trái như danh cầm nước Mỹ Jimi Hendrix, nhưng đặc biệt là không chịu… đảo dây), Danh Sinco (cựu thành viên ban nhạc Sinco), nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thạch, anh Tùng thầy giáo… và cũng có rất nhiều bạn trẻ mê nhạc, trong đó có một số thành viên của diễn đàn guitar lớn nhất nhì Việt Nam aeguitar.org.

“Anh em làm nhạc, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, đều mong muốn có một ngày để ngồi lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong công việc. Đây cũng là dịp những người yêu nhạc, sống với nghề nhạc bái vọng tổ tiên, mong cho công việc và sự nghiệp gặp nhiều thuận lợi, may mắn”, anh Tùng thầy giáo nói.

Ngày giỗ tổ nghề nhạc đã được anh em nhạc công, nghệ sỹ nhiệt liệt ủng hộ trong vài năm trở lại đây. Năm nay, ngoài TPHCM, những người yêu nhạc ở Biên Hòa, Đồng Nai cũng tổ chức một sự kiện tương tự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG