Kết thúc Sao Mai 2011: Kỷ lục về sự cố

Top 9 Sao Mai 2011- vàng thau còn lẫn lộn? Ảnh: Lâm Phong
Top 9 Sao Mai 2011- vàng thau còn lẫn lộn? Ảnh: Lâm Phong
TP - Rốt cuộc những người nhiệt tình nhắn tin đã không được tham gia khuynh loát giải thưởng, nhờ Ban Tổ chức (BTC) kịp thời bỏ luật cộng 1 điểm cho thí sinh nhận nhiều bình chọn nhất. Nhưng sự sáng suốt vào phút chót này không thể thay đổi được thực tế: Sao Mai 2011 là mùa giải dính nhiều sự cố nhất từ trước tới nay.

> Sao Mai khan hiếm tài năng

Top 9 Sao Mai 2011- vàng thau còn lẫn lộn? Ảnh: Lâm Phong
Top 9 Sao Mai 2011- vàng thau còn lẫn lộn? Ảnh: Lâm Phong.


 

Hậu quả của luật cộng điểm đã bỏ sót một số giọng hát hay và đưa vào đêm trao giải những giọng hát kém, dẫn đến sự chênh lệch quá rõ giữa các thí sinh. Điều này buộc BTC phải có một quyết sách chữa cháy nữa: Không trao 2 giải Nhì ở mỗi bảng mà trao 1 Nhì và 1 Ba. Nhưng ngay cả giải Ba với một số thí sinh cũng vẫn là phần thưởng quá xa xỉ, chưa nói việc trao giải kiểu đó có thể ảnh hưởng chất lượng và uy tín cuộc thi.

Đứng ở top 9 của cuộc thi quy mô toàn quốc, có thí sinh hát hổn hển, không ra hơi hoặc giọng khào khào không theo quy chuẩn nào cả. Sự có mặt lạc lõng của họ ở đêm chung kết xếp hạng được “đổ” cho “khán giả bình chọn”. Nhưng nếu giám khảo chấm thật mạnh tay thì 1 điểm cộng thêm từ lượng tin nhắn cũng không thể làm thay đổi cục diện nhiều đến vậy.

Sao Mai đến giờ phút này ít còn ý nghĩa một cuộc tìm kiếm giọng hát hay, mà thiên về thi đấu giữa... các trường đào tạo âm nhạc. Nếu bạn muốn thi Sao Mai, trước hết phải đến trường học hát. Không chỉ cho bạn kiến thức, kỹ thuật, chẳng hạn nếu thầy cô giáo của bạn có thế lực, quan hệ rộng… thì khả năng có giải của bạn có thể tăng lên.

Không ít thí sinh được sự gửi gắm, vận động hành lang từ thầy cô nọ, nhạc sĩ kia...?Và nếu ai đó là người ngoại đạo, không có gì ngoài giọng hát, cơ hội thành công không nhiều. Tuy nhiên, Sao Mai vẫn là bệ phóng cho tài năng đích thực, nếu họ đủ may mắn vào được những vòng được phát sóng trực tiếp. Hy vọng việc được Sao Mai 2011 cho lên sóng sẽ giúp những giọng hát như Nguyễn Văn Thế hay Hoàng Thị Quỳnh Trang bay xa hơn.

Công bằng mà nói, mặt bằng biểu diễn ở lần tổ chức thứ 8 có nâng lên ít nhiều. Không còn phổ biến lối hát lệ thuộc kỹ thuật, hát như “thi học kỳ”. Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan… thuyết phục nhờ biết cân bằng giữa kỹ thuật và cảm xúc. Không còn cảnh khan hiếm, trùng lặp bài vở; đề tài cũng đa dạng hơn hẳn. Bảng thính phòng không chỉ có nhạc đỏ mà tình ca cũng được nhiều thí sinh lựa chọn.

Ở bảng nhạc nhẹ, Lê Việt Anh, Nguyễn Huy Quyết… đặt hàng nhạc sĩ bài mới toanh để mang đi thi. Tuy nhiên ở bảng dân gian, màu sắc bài vở vẫn chưa ấn tượng, chưa đa dạng. Ngoài việc thiếu bài dân gian ra hồn, cũng phải tính đến sự hạn chế trong diễn đạt của thí sinh ở bảng này.

Một thực tế là hầu hết thí sinh thi dân gian đều đang học kỹ thuật opera- điều này không đóng góp gì nhiều thậm chí làm giảm đi chất dân gian trong họ. Vẫn còn quan niệm dân gian là cái gì có sẵn trong máu, chứ chưa thấy ai nắm vững kỹ thuật hát độc đáo và đa dạng của dân tộc.

Một vài khởi sắc không thay đổi được thực tế Sao Mai năm nay là kỳ giải nhiều sự cố nhất trước nay. Mở màn là việc thí sinh tố ban nhạc đánh sai tông ngay trên sân khấu. Trong vụ việc này, chưa biết ai đúng ai sai nhưng hình như rút cuộc không ai đứng ra xin lỗi. Khán giả yêu thích người hát chán hay người hát chán tung tiền mua tin nhắn là một nghi vấn lớn, nhất là khi một số giải thưởng chung cuộc không có tính thuyết phục.

Dường như việc sản xuất chương trình lên sóng quốc gia đã bị thả nổi, “nghiệp dư hóa” dẫn tới sự cố hi hữu kể cả trong lịch sử ngành truyền hình: Mất âm thanh sân khấu trong hàng chục phút, khiến thí sinh phải hát đi hát lại tại đêm thi chung kết phía Nam. Bằng ấy sự cố phát lộ đã đủ để Sao Mai 2011 lập kỷ lục về độ lùm xùm?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG