Sao Mai toàn quốc dòng dân gian: Lại đãi cát bỏ vàng?

Sao Mai toàn quốc dòng dân gian: Lại đãi cát bỏ vàng?
TP - Đêm Sao Mai dân gian kết thúc trong sự ngỡ ngàng y như đêm thi thính phòng. Theo một kịch bản như cũ, Ban Giám khảo (BGK) và tổng đài bình chọn lại kết hợp ngoạn mục đưa một giọng hát thiếu tính dân gian vào thẳng đêm chung kết xếp hạng.

> Quyền lực của giám khảo thứ 8

Nguyễn Văn Thế - thí sinh duy nhất chưa qua trường lớp vào chung kết dân gian Sao Mai toàn quốc. Ảnh: Lâm Phong
Nguyễn Văn Thế - thí sinh duy nhất chưa qua trường lớp vào chung kết dân gian Sao Mai toàn quốc. Ảnh: Lâm Phong.
 

Nguyễn Thị Bích Hồng hơi lạm dụng giọng gió và cách hát nhấn nhá theo trường phái Thái Thanh nhưng lại chưa tới, khiến cho giọng hát của cô trở nên hổn hển, thiếu liền mạch. Tuy nhiên cô chiếm tới quá nửa lượng phiếu bình chọn của khán giả. Vẫn biết con số này không nói lên điều gì về chuyên môn, nhưng đáng nói là khán giả không nhắn tin ủng hộ được các thí sinh khác.

Dương Thị Tú cho hay, bạn bè cô thông báo tổng đài không chấp nhận tin nhắn của họ. Khán giả còn để ý thấy người dẫn chương trình lúc đó lắc đầu quầy quậy và cắt luôn phần “tường thuật trực tiếp” của Tú. Tin nhắn dành cho Nguyễn Văn Thế và Trần Thị Thanh Hoa cũng chung số phận.

Thế cho biết: “Rất nhiều người gọi điện cho tôi thắc mắc sao nhắn mấy tin liền không thấy tổng đài trả lời. Mấy vòng trước nhắn thì trả lời luôn”.

Thanh Hoa: “Bạn bè nhắn tin không bình chọn cho tôi được. Mãi sáng nay (22-8), tổng đài mới báo tin bình chọn đã thành công”. Trong đêm thi, Thanh Hoa thử tự bình chọn cho mình, cũng không được. Những trục trặc của tổng đài làm cho 1 điểm thưởng- cho người được bình chọn nhiều nhất càng trở nên thiếu căn cứ.

Việc Phương Thanh - thí sinh được bình chọn nhiều nhất ở đêm chung kết miền Trung - được đi tiếp vào đêm chung cuộc cũng ít tính thuyết phục. Cô phạm khá nhiều lỗi trong phần thi, chưa kể hát không ra chất Huế ở bài Ngược dòng Hương Giang. Như vậy, BGK đã mở cửa cho cả 3 thí sinh đều đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia vào đêm trao giải.

Giám khảo Trọng Tấn, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia khẳng định, anh công tâm với học trò của đồng nghiệp: “Kể cả học sinh của tôi nếu không hay tôi cũng không bảo vệ. Còn cuộc thi có vấn đề gì bên trong tôi không nắm được. Khó! Mình công tâm nhưng có đến 7 người chấm”.

Trọng Tấn chấm điểm cao nhất cho Lương Nguyệt Anh và tỏ ý tiếc khi BTC chỉ lấy 3 thí sinh vào vòng cuối. “Nếu được thêm, tôi chọn Vũ Thị Ngân - giọng rất trong sáng, dù phong cách biểu diễn hơi non”.

“Sau khi chấm điểm, BGK có họp bàn đi tới thống nhất chung: Ngoài phần hát, còn xét đến tương lai phát triển của thí sinh”, Trọng Tấn cho hay. “Ví dụ có cậu giọng rất đẹp, rất quý, nhưng chưa học hành gì, giọng chưa định hình, bắt chước vài người. Bản thân là nhân viên dầu khí, không biết con đường chuyên nghiệp thế nào”.

Chắc hẳn, Trọng Tấn nói đến Nguyễn Văn Thế - công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí. Thế sinh 1990 tại Hải Dương, từng thi đỗ vào hệ B trường Nghệ thuật Quân đội nhưng gia cảnh không cho phép theo học. Được biết, giám khảo An Thuyên đang vận động trường Nghệ thuật Quân đội nhận Thế vào học.

Ca sĩ Lan Anh - giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia cho hay, trong số thí sinh phải dừng lại, chị tiếc nhất cho Thế. “Giọng Thế ngọt ngào, tự nhiên, truyền cảm, dễ nghe”. Về ý kiến Thế hát hơi giống một số giọng “đàn chú” - với Lan Anh: “Hơi giống cũng chẳng sao, miễn hát hay. Mà NSND Trung Đức hát khác, ấm hơn, mạnh mẽ hơn, còn Thế giữ từ đầu đến cuối kiểu mềm mại. Quan trọng là Thế quyến rũ được khán giả. Phải nhìn tổng thể, chứ phân tích kỹ ra ai chẳng có lỗi”.

Nguyễn Văn Thế kể mỗi khi cần tham khảo về kỹ thuật, anh lại bật Kiều Hưng, Quốc Hương… Thế từng giành Huy chương Vàng tiếng hát HSSV toàn quốc, HCV liên hoan Nghệ thuật Quần chúng toàn quân. Chuyển vào Vũng Tàu công tác gần 3 năm nay, Thế là CTV thường xuyên của đoàn Ca múa tỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG