> Chiêm ngưỡng báu vật quý hiếm Việt Nam
Một trong số nhữg hiện vật tại triển lãm. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
“Hiện vật có giá trị nhất dưới góc độ lịch sử trong bộ trưng bày lần này gắn trực tiếp với vua: Bốn nghiên ngọc có khắc thơ của vua Thiệu Trị-vị vua được biết đến với số lượng lớn sáng tác thơ, văn. Tiếp đến là đồ ngọc có khắc minh văn, cho biết rõ chế tác dưới đời vua Thiệu Trị “Thiệu Trị niên tạo” có trên ấn, tách, đĩa và kèm theo đó hình trang trí đậm chất Việt Nam”- Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam-đơn vị tổ chức triển lãm- nói.
Hoa văn mây, nắp đỉnh bằng ngọc xanh sẫm chạm đôi rồng, hay như gác bút tạo hình từ hai con rồng đuôi xoáy thời Nguyễn… là đặc trưng rõ nhất của cổ ngọc do nghệ nhân Việt chế tác.
Cổ ngọc Việt Nam khai mạc sáng 2-8 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) chỉ giới thiệu được một phần nhỏ trong số hàng ngàn cổ ngọc Việt Nam. Khoảng 140 đồ vật trông “long lanh” và chưa hề qua phục chế thuộc ba thời kỳ tiền-sơ sử, 10 thế kỷ đầu công nguyên và cổ ngọc Lê-Nguyễn đủ màu sắc: Trắng, xanh sẫm, xanh ngả vàng.
Cổ ngọc thời Lê- Nguyễn chiếm đa số, thuộc kho báu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp nhận từ triều đình Huế sau Cách mạng tháng Tám 1945. Theo các nhà nghiên cứu, cổ ngọc thời này có sự phát triển về kỹ thuật chế tác, số lượng lưu giữ được khá lớn.
“Ấm chén, đồ dùng rất đẹp chứ tượng cũng thường thôi”, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội cổ vật Thăng Long nói. Tượng Bát tiên bằng ngọc xanh trắng, đỏ nâu, xanh celadon, trắng xanh và đen trong nhiều tư thế, mô phỏng theo tích Trung Quốc.
Nhiều người xem thắc mắc vì sao khuyết mất di vật cổ ngọc thời Lý - Trần. Các chuyên gia cho rằng, do trải qua nhiều cuộc binh biến, thời tiết khắc nghiệt, nên chỉ có thể chủ yếu chiêm ngưỡng cổ ngọc Lê-Nguyễn.
Nhiều ngự đồ bằng ngọc dưới triều Nguyễn đạt đến độ tinh xảo khi chế tác ngọc với phụ liệu: vàng, bạc, đồi mồi. Chiếc chậu ngọc xanh, trắng có vành bằng vàng và nạm ngọc. Bộ đồ ăn trầu trang trí phượng gồm 1 khay, 1 ống nhổ và 2 chiếc hộp bằng ngọc trắng xanh, ngọc xanh celadon kết hợp với vàng và đồi mồi. Chuyên gia ở bảo tàng Lịch sự Việt Nam nói, bộ ăn trầu không chỉ quý về chất liệu, còn thể hiện tập tục ăn trầu từ dân gian đến cung đình.
Được hỏi liệu có chắc đây hoàn toàn là số cổ ngọc thể hiện trình độ chế tác ngọc của người Việt, ông Nguyễn Đình Chiến nói rằng, dù chưa đi sâu nghiên cứu nguồn gốc, nhưng nhờ sử liệu có thể khẳng định ở một vài trường hợp cụ thể.
Năm 1846, nhân dân tìm được khối ngọc lớn ở núi Hòa Điền (Quảng Nam), vua Thiệu Trị cho chế tạo ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời). Một số ấn khác có niên đại rõ ràng: Hành tại chi tỷ (Minh Mệnh 1837), Đại Nam thiên tử chi tỷ (1839), Đại Nam hoàng đế chi tỷ (Thiệu Trị 1844).
“Năm 2007 chúng tôi mới được tiếp nhận lại kho cổ vật, phải có thời gian nghiên cứu nên đến giờ mới đưa được ra trưng bày. Mà nghiên cứu về cổ ngọc hiện nay còn khá khó khăn, chủ yếu nằm ở vấn đề tài liệu, bởi so với các loại hình cổ vật khác, cổ ngọc rất hiếm. Mặc dù đã khai quật rất nhiều lần ở khắp nơi trên cả nước, nhưng số lần tiếp xúc với cổ ngọc của chúng ta cũng rất ít”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Ông cho biết, để có chỗ triển lãm 140 cổ ngọc này, bảo tàng gặp khó khăn về trang thiết bị trưng bày, phải nhập về không ít. Chưa kể đến một số ngọc được xếp vào bảo vật quốc gia, hoặc thuộc loại quý hiếm và giá trị cao về kinh tế cũng không dễ mang ra trưng bày, vì vấn đề an ninh.
Khám phá Cổ ngọc Việt qua sách Cùng với triển lãm Cổ ngọc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ra mắt cuốn sách cùng tên, dày 250 trang. Việt Nam ngay từ giai đoạn tiền sử “chơi” ngọc nhờ tìm thấy nhiều công cụ, đồ trang sức, vũ khí ở các di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên-Đồng Đậu-Gò Mun-Đông Sơn ở phía Bắc, rồi văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo ở miền Trung, Nam. Cổ ngọc 10 thế kỷ đầu Công nguyên cho thấy sự giao lưu văn hóa với phương Bắc, tìm thấy chủ yếu ở mộ cổ: tượng rồng, tượng thú, khâu đeo lưng. Đặc biệt là có cơ hội tìm hiểu sâu nhiều cổ ngọc thời Lê-Nguyễn. |