Nguyễn Hữu Hồng Minh trong “Ổ thiên đường”

Nguyễn Hữu Hồng Minh trong “Ổ thiên đường”
TP - Sau 20 năm, Nguyễn Hữu Hồng Minh mới công bố tập truyện ngắn 'Ổ thiên đường' (NXB Văn học). PV trò chuyện với cây bút từng đoạt giải Ba cuộc thi Tác phẩm Tuổi xanh (1991).

> Nguyễn Hữu Hồng Minh về với 'Ổ thiên đường'

Nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh Ảnh: Nguyên Anh
Nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh: Nguyên Anh.
 

Từng đoạt một số giải thưởng truyện ngắn, nhưng 20 năm anh mới cho ra một tập truyện ngắn, điều gì đã xảy ra vậy?

Có thời gian tôi thấy khó viết. Tôi đọc nhiều, muốn có lối viết riêng. Công việc gian nan quá. Tôi quyết định chuyển qua làm thơ, nhưng vẫn âm thầm viết truyện. Nhưng tôi không còn đau đáu việc công bố nữa. Tập truyện này tập hợp 37 truyện ngắn suốt 20 năm. Trong thời gian dài đó, có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, cô độc, nhưng nhìn lại cũng thấy tác phẩm của mình có những nét riêng.

Nhân vật xuyên suốt trong sáng tác của anh là người trí thức nghệ sĩ?

Những người trí thức đi về đâu? Thân phận của trí thức trong xã hội ngày càng thực dụng hơn. Những câu hỏi đó ám ảnh tôi. Chẳng hạn, trong truyện Nhai nhựa, nhân vật tên M. sống giữa xung đột, vì học ở trong trường toàn chuyện lãng mạn, ra xã hội không hòa nhập được! Y. nhai cuộc sống như nhai nhựa, nhai mãi mà không nuốt nổi!

Tình yêu dường như là cứu cánh, luôn có mặt trong các truyện của anh.

Các cô gái là những giấc mơ. Rất yêu rất thương, nhưng không thể nào sở hữu được. Tình yêu như một giấc mơ không có thật, như một sự phi lý nào đó. Cứ đi tìm hoài mà không thấy.

Truyện của anh còn có những cảm hứng lịch sử, trộn lẫn với cảm xúc đời thường?

Cảm hứng lịch sử ư? Tôi tốt nghiệp Khoa Sử, Đại Tổng hợp TPHCM. Sau đó học Báo chí văn bằng hai Khoa Báo chí. Truyện Vẽ bùa mà đeo, tôi viết về sự xung đột trong nghệ thuật Việt Nam, giữa các trường phái mới và cũ, trong nước và hải ngoại. Không ai hơn ai, nhưng ai cũng vẽ lá bùa để đeo, coi như mình duy nhất sở hữu chân lý. Văn nghệ Việt Nam không thể cắt đứt với quá khứ, nó phải có sự kế thừa. Nó là hậu hiện đại.

Văn xuôi Việt Nam, anh thích đọc tác giả nào?

Thật khó nói, tôi đọc rất nhiều, từ người có danh đến người vô danh. Nhưng hai người tôi cho là đã đạt được những phẩm chất rất điển hình của truyện ngắn là Nguyễn Huy Thiệp và Phan Thị Vàng Anh. Nguyễn Huy Thiệp viết rất hay về đồng quê. Phan Vàng Anh là con người thành thị, chị viết rất đúng những trăn trở của con người thành thị.

Anh có khá nhiều chuyện hay về Nam Bộ. Điều gì khiến anh gắn bó với vùng đất cực nam?

Có thời gian tôi xa lánh cuộc sống đô thị, vào ở trong rừng Cà Mau hàng năm trời. Tôi đi lang thang khắp các tỉnh cực nam. Những truyện Mưa châu thổ, Những quả trứng trong mơ, Mùi thượng đẳng… được viết ra từ những ngày ấy.

Hạnh phúc là nỗi ám ảnh và cũng là đề tài lớn. Anh chiêm nghiệm thế nào về hạnh phúc?

Hạnh phúc như Max nói, đó là đấu tranh. Đấu tranh chống lại sự nhàm chán. Đôi khi cuộc sống cũng cần vài phen mưa gió. Truyện ngắn Ổ thiên đường nói về hạnh phúc. Thiên đường là một khái niệm quá rộng, ta đã tới, đang tới, sẽ tới, nên dường như không bao giờ chạm vào được vào nó.

Ổ thiên đường thì nghĩa nó chật hẹp hơn, nhưng mà người ta nắm bắt được. Sau 20 năm lưu lạc, ở nhà thuê nhà mướn, tôi mới mua được ngôi nhà của mình. Một căn hộ 56m2 trong khu chung cư ở Thủ Đức, TPHCM.

Anh có biết không? Vì đi thuê nhà vất vả mà có lần vợ tôi đã đập đầu vào tường như một trái dừa khô vậy. Tôi mất tới 6 tháng để viết Ổ thiên đường. Thiên đường không ở đâu xa, nó là tổ ấm hạnh phúc của mỗi chúng ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG