Ban Giám khảo lại gây ngạc nhiên?

Ban Giám khảo lại gây ngạc nhiên?
TP - Chung kết Sao Mai miền Trung - Tây Nguyên thường không được kỳ vọng về chất lượng giọng hát. Có chăng, khán giả chỉ mong chờ một yếu tố lạ như Mỹ Như của kỳ trước, nhưng năm nay, sự lạ có vẻ đến từ phía Ban giám khảo (BGK).

> Chung kết Sao Mai miền Bắc: Chưa mừng đã lo

3 thí sinh miền Trung (ôm hoa) lọt vào chung kết toàn quốc. Ảnh: T.L
3 thí sinh miền Trung (ôm hoa) lọt vào chung kết toàn quốc. Ảnh: T.L.
 

Đỗ Thị Lam được BGK đưa lên vị trí đầu bảng nhạc nhẹ miền Trung chính là yếu tố bất ngờ của đêm thi 24-7. Giáng Son- từng làm giám khảo Sao Mai Điểm hẹn và nhà báo Ngô Bá Lục- người theo dõi trực tiếp đêm thi- không hẹn mà đều xếp Đỗ Thị Lam sau Hoàng Thị Quỳnh Trang và Y Ciel Niê. Vì thế họ không khỏi ngạc nhiên khi Lam bỗng nhiên vượt lên dẫn đầu bảng nhạc nhẹ.

Ngô Bá Lục: “Đêm chung kết khu vực, mọi người đều nghĩ Trang là ứng viên. Chẳng hiểu đêm 24-7, BGK chấm thế nào Lam lại lên Nhất”. “Ở đêm thi loại, tôi cho Trang điểm cao nhất,” giám khảo Tùng Dương cho hay. “Trang hát Để em mơ cũng hay lắm, dễ chịu, xử lý thông minh, dù giọng vẫn còn bản năng. Đêm chung kết, Trang hát không tốt bằng đêm trước”. Đêm 24-7, Tùng Dương chấm Đỗ Thị Lam và Hồ Thị Quỳnh Trang bằng điểm nhau.

Một trong những lý do Trang bị loại, theo Tùng Dương, là cô chọn bài quá nhẹ, không có chỗ để khoe giọng. Nếu vậy thì việc BGK đánh giá cao Trang ở vòng loại khá là mâu thuẫn. Vì Để em mơ (Nguyễn Cường) xem ra cũng “nhẹ” không kém Ngày bình thường (Quốc Bảo).

Chưa biết chừng Lam sẽ là thí sinh nhạc nhẹ duy nhất đại diện miền Trung - Tây Nguyên trong đêm chung kết. Theo thông tin ngoài lề, điểm của các thí sinh nhạc nhẹ miền Bắc cao hơn hẳn miền Trung. Mà ngoài suất chắc chắn có mặt ở chung kết toàn quốc của Lam ra, các thí sinh nhạc nhẹ miền Trung còn lại sẽ phải đọ điểm trực tiếp với 2 miền còn lại để giành vé vào chung kết toàn quốc.

Ban Giám khảo lại gây ngạc nhiên? ảnh 2
 

“Kết quả ở bảng nhạc nhẹ giống như để cho có. Có cảm tưởng do không có thí sinh nào bật hẳn lên, nên BGK lấy đại một người vào vòng trong”, nhà báo Nguyễn Minh nhận xét. Tất nhiên không có thí sinh quá nổi bật ở bảng nhạc nhẹ miền Trung- Tây Nguyên nhưng không khó để tìm ra người khá hơn cả.

“Kết quả ở bảng nhạc nhẹ giống như để cho có. Có cảm tưởng do không có thí sinh nào bật hẳn lên, nên BGK lấy đại một người vào vòng trong”- Nhà báo Nguyễn Minh nhận xét.

 

Việc Quỳnh Trang chọn một bài hát lạ- Ngày bình thường- không giống như các bài mặc định chuyên để đi thi, ít ra cũng làm khán giả đỡ nhàm chán- điều mà họ có thể đã cảm thấy khi xem bảng dân gian “tràn ngập một màu An Thuyên” (đánh giá của Nguyễn Minh). Thực ra các thí sinh chỉ hát 2 bài của An Thuyên nhưng quả thực kha khá các bài còn lại đều “pha chất Nghệ” na ná An Thuyên.

Tình làng quê (An Thuyên) từng đem lại giải Nhất Sao Mai 2009 cho Bùi Lê Mận, lần này tiếp tục đưa người đồng hương Nguyễn Thị Phương Thanh vào thẳng chung kết toàn quốc. Cô cũng là thí sinh được nhiều khán giả bình chọn nhất. Lịch sử rất có thể lặp lại ở vòng toàn quốc: Thí sinh đoạt giải được khán giả yêu thích nhất thường là người xứ Nghệ.

Vũ Thắng Lợi (Quảng Ngãi) thi Sao Mai lần này là lần thứ 3 và bước đầu đã thành công khi vững chân tại vòng chung kết toàn quốc. Được khen là đã hát rất tình Cảm ơn mẹ của giám khảo Đức Trịnh, vậy mà tưởng anh đã phải bỏ dở cuộc thi giữa chừng. Khi Lợi đang thi, hành lý đã để sẵn trong cánh gà. Đêm thi kết thúc, anh lập tức bắt taxi về nhà vì bố ốm nặng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG