> Giới trẻ 'ngã nghiêng' với 'Mặt nạ' xứ Hàn
> 2AM 'hâm nóng' sân Mỹ Đình
Tiết mục trống với hiệu ứng nước. Ảnh: N.M.Hà. |
Trên các tài liệu quảng cáo, băng-rôn hay các bài báo, cái tên 2A.M đều được đặt ở vị trí nổi bật, đâm ra nhiều người tưởng đêm diễn 10-6 tại sân Mỹ Đình là điểm dừng tại Việt Nam trong chuyến lưu diễn quốc tế của nhóm nhạc Hàn Quốc 2A.M.
Thực tế, tên đầy đủ của chương trình là KTA World Tour the TAL with 2A.M nghĩa là “chuyến lưu diễn thế giới của KTA (Liên đoàn Taekwondo Hàn Quốc) TAL với 2A.M”. Trong đó, TAL viết tắt cho Taekwondo Absolute Legend tạm dịch là “Taekwondo huyền thoại tuyệt đỉnh”.
Ban tổ chức (công ty truyền thông V) khẳng định đây là “Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc”, nhưng trên sân khấu chỉ có MC Mỹ Lan là yếu tố Việt Nam.
Cái “giỏi” của BTC là đẩy giá vé (được chính phủ Hàn Quốc tài trợ với mục đích “xây dựng hình ảnh văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới”) lên tới mức 2.450.000 đồng. (Giá vé cao nhất của đêm Backstreet Boys tại Mỹ Đình cũng chỉ 2 triệu đồng). Trong khi phần thu hút khán giả- âm nhạc, chỉ chiếm 2/5 thời lượng chương trình. Nhóm 2A.M và Lee Huyn trình diễn tổng cộng 9 bài hát trên nền nhạc thu sẵn- tất cả gói gọn trong vòng 1 tiếng.
Vé được bán theo kiểu mua 1 tặng 1. Không biết có phải vì giá vé quá đắt so với hầu bao của người hâm mộ 2A.M (đại đa số là nữ sinh) hay không, mà lượng khán giả đến với TAL và 2A.M ước tính chỉ vào khoảng 1/4 trong tổng số 3 vạn vé phát hành. Chương trình chỉ bắt đầu sau khi gần như toàn bộ khán giả trên các khán đài được thả cửa xuống mặt sân, tức là muộn so với giờ ghi trên vé hơn 1 tiếng, mà không có một lời cáo lỗi.
Khán giả của 2AM. |
Những tưởng các (nữ) cổ động viên của 2A.M sẽ sốt ruột khi xem TAL trong khi chờ đợi 2A.M, nhưng không hề. Khán giả trẻ xem TAL với thái độ cực kỳ phấn khích. Họ đồng thanh hô Choi Sori (tên của nghệ nhân đánh trống- đồng thời là tổng đạo diễn chương trình)- như thể ông là ngôi sao quen thuộc.
Khi những màn đánh đấm, giết chóc mang màu sắc bạo lực diễn ra trên sân khấu, hàng ngàn cái miệng xinh lại hào hứng hô vang: “Fighting! Fighting!” (nghĩa là “Đánh nhau đi!”), rồi quay sang nhìn nhau, cười khoái chí.
Phải công nhận TAL (hay còn gọi là Mặt nạ) được dàn dựng bắt mắt, kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc (trống, múa…) và phương Tây (hip-hop, giao hưởng) cùng các hiệu ứng lửa, nước, ánh sáng... Dù được lồng trong câu chuyện mang màu sắc võ hiệp, TAL vẫn thiên về tạp kỹ, chủ yếu nhằm “tiếp thị” cho môn phái Taekwondo. Buổi biểu diễn tại Việt Nam lần này nằm trong khuôn khổ chuyến lưu diễn 198 quốc gia của TAL.
Sự nhiệt thành của khán giả đối với TAL đã là lý tưởng với bất cứ nhà tổ chức sự kiện nào, song chưa là gì so với niềm hưng phấn dành cho các thần tượng âm nhạc Hàn. Một cơn rúng động lan truyền khắp các hàng ghế khi các ca sĩ xuất hiện. Khán giả đồng loạt đứng dậy, ùa lên sát sân khấu, vài cô gái trèo qua hàng rào bảo vệ. Họ cùng hét Saranghae!! (đồng nghĩa Em yêu anh) kèm theo tên các nghệ sĩ, hoặc hát theo, tay giơ cao các phương tiện chụp hình hoặc các tấm biển cổ vũ bằng tiếng Hàn và tiếng Anh.
Nhiệt độ hầu như giữ nguyên như thế trong suốt 1 tiếng. Cô gái trẻ đứng bên giải thích cho tôi Saranghae nghĩa là I love you xong thì hỏi: “Anh đi chụp ảnh mà không biết tiếng Hàn à?!” Giữa hai đợt gào thét không thương tiếc tai người bên cạnh, cô quay ra phân trần: “Em cổ vũ cho vui. Em có thích hội này đâu!!!” Có cảm giác một bộ phận thế hệ trẻ nhất thiết phải có một thứ gì đó để cổ vũ, để hâm mộ. Và đúng lúc đó, làn sóng Hàn Quốc ào đến…
Công bằng mà nói các nam ca sĩ hát tốt (nhất là Lee Huyn), trình diễn chuyên nghiệp. Nhưng quan trọng là họ mang thương hiệu Hàn Quốc đã được khẳng định, chưa kể đều có ngoại hình có lẽ chỉ kém người mẫu một chút. Sự kết hợp khôn ngoan giữa văn hóa đại chúng (2A.M, Lee Huyn) với văn hóa truyền thống (Taekwondo, đánh trống…) rút cuộc đã làm tốt công việc quảng bá hình ảnh Hàn Quốc tới khán giả Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ.
Các bạn trẻ thì từ chỗ yêu thần tượng ca nhạc Hàn, tiến tới yêu trống Hàn, võ thuật Hàn… thật tự nhiên. Cũng như trước đây, dân tình đã mê phim tâm lý Hàn rồi thì dễ dàng nhập cuộc với với phim cổ trang, dã sử. Chứng kiến biển các cô bé trên sân Mỹ Đình trôi nổi theo làn sóng Hàn, có người đùa: Kiểu này mai sau lấy chồng Hàn Quốc hết cả!