Gia đình luôn là khán giả đầu tiên

Gia đình luôn là khán giả đầu tiên
TP - Đầu năm 2010, công chúng xôn xao tin Ái Như tách khỏi sân khấu IDECAF để trở thành “bà bầu”, gánh trên vai cả một sân khấu còn non trẻ. Vậy mà chỉ sau một năm, chị đã cho mọi người thấy rằng mình làm đúng.

Nghệ sĩ Ái Như:

Gia đình luôn là khán giả đầu tiên

Không chọn diễn hài, kinh dị như trào lưu trong làng kịch hiện nay, Kịch Hoàng Thái Thanh của cặp bài trùng Ái Như - Thành Hội đi theo hướng chính kịch, lấy tình yêu, tâm lý xã hội làm đề tài chính cho mỗi vở diễn.

Chọn con đường khó

Có người cho là chị liều khi chọn con đường khó hút khán giả. Nhưng theo Ái Như, ngay trong khái niệm “tâm lý xã hội” đã bao trùm đầy đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố rồi. Ăn thua là mình có biết cách khai thác hay không mà thôi. “Nếu chịu khó đi sâu vào những chi tiết của cuộc sống thì có rất nhiều điều để nói. Thực tế, sân khấu của chúng ta đang chậm về khả năng tái hiện xã hội”, chị trầm ngâm.

Khi tôi hỏi, hay là chị chọn chính kịch để đỡ phải cạnh tranh với những vở kịch hài, kinh dị đang nở rộ, Ái Như cười bảo: “Một con đường mà không biết sẽ đến đâu thì tốt nhất là không nên chọn. Khi đã chọn cái gì thì trước hết mình phải thích nó, tiếp đến là hiểu nó, chứ cứ nhìn nhau để rồi né tránh thì sẽ không làm được gì”. Và chị đã đúng. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Kịch Hoàng Thái Thanh giờ đã có khán giả riêng. Những vở diễn Mùa Đông cuối cùng, Mua bảo hiểm tình, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Nửa đời ngơ ngác… đều nhận được đánh giá cao, làm nên một điểm hẹn cho những ai thích tìm đến với những tác phẩm nghiêm túc.

Với việc giành cú đúp giải Cù nèo vàng 2010 của báo Tuổi trẻ, Hoàng Thái Thanh một lần nữa lại làm nên điều bất ngờ cho làng kịch phía Nam khi thành công ở lĩnh vực hài kịch không phải là sở trường. Nói về tiếng cười, Ái Như quan niệm: “Dù bi đến mấy cũng không có nghĩa là phải sướt mướt, nặng nề. Có những tình huống rất bi nhưng khi nhân vật loay hoay tìm lối thoát thì lại bật ra tiếng cười”. Và đây chính là sự khác biệt: tiếng cười tự nhiên, không cố tạo, thậm chí trong đó đầy nước mắt... Nghe thì đơn giản, nhưng để có được sự “tự nhiên” đó, người nghệ sĩ cần phải trải qua cả một quá trình trăn trở, luyện rèn cho đến khi khả năng cảm nhận nhân vật “thấm” vào người.

Từ một diễn viên - đạo diễn chỉ lo chuyên môn, bà bầu Ái Như giờ đây phải đối mặt với nhiều áp lực. Quan trọng nhất là tác phẩm, bởi chị hiểu rằng khán giả trước tiên cần được thỏa mãn nhu cầu giải trí, bên cạnh đó là nhu cầu thưởng thức, tức là khi ra về, họ có chút gì đó để suy tư, ngẫm ngợi. Rồi chuyện mời diễn viên, lịch diễn, lịch tập, tài chính… cũng ngốn của chị không biết bao nhiêu thời gian và trí lực. Nhưng bù lại, chị được tha hồ vùng vẫy trong đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Gia đình là chỗ dựa

Dù bận rộn là như vậy, nhưng trong tháng 6 này, Ái Như sẽ xuất hiện trong chương trình Yêu thương cuộc sống (21h40 thứ Ba hàng tuần trên HTV9). Chị sẽ giúp khán giả hiểu thêm về cuộc sống của những người phụ nữ làm nghề giúp việc nhà - một công việc dần trở thành thiết yếu trong xã hội ngày nay.

Ái Như tiếp tôi tại nhà riêng trên một con đường nhỏ yên tĩnh giữa lòng thành phố ồn ào náo nhiệt. Ngôi nhà cũng nhỏ xinh, giản dị như chính con người chị vậy. Bình lan tím đặt trên bàn mang lại một cảm giác thật nhẹ nhàng, thanh thản. Chị cười nói đó là hoa khán giả tặng sau đêm diễn, nên nhà chị thường xuyên có hoa tươi.

Nói đến Ái Như, đã có vô số bài báo ca ngợi tài năng và những cống hiến của chị cho kịch nói, nhưng hiếm khi thấy chị chia sẻ về cuộc sống riêng. Chị bảo, gia đình là điều chị muốn giữ cho riêng mình, là nơi chị chia sẻ mọi yêu thương, là hậu phương vững chắc để chị yên tâm phát triển sự nghiệp. Ngoài xã hội là một trong những trụ cột của sân khấu nhưng về đến nhà, Ái Như trở lại đúng với bản thể: một người phụ nữ nhỏ bé cần được bảo bọc, che chở. Trông chị vẫn có nét nào đó trẻ con, yếu đuối mà người gặp lần đầu khó có thể hình dung đây là người chèo lái con thuyền nghệ thuật chở mấy chục nghệ sĩ, cung cấp những vở kịch có chất lượng cho người dân thành phố.

Ái Như và Thành Hội
Ái Như và Thành Hội.

Nhìn Ái Như trẻ, ít người biết con gái lớn của chị đã 27 tuổi, hiện đang học thạc sĩ khoa tâm lý tại Thái Lan và sẽ trở lại làm việc tại khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng. Cậu con trai út 14 tuổi, thi thoảng cũng được mẹ cho tham gia diễn kịch, với điều kiện phải đảm bảo việc học.

Nói về chuyện giáo dục con cái, vẫn giữ thái độ từ tốn, nhưng ở chị toát lên một vẻ nghiêm khắc: “Nhà tôi sống theo nếp cũ, có nề nếp, có tôn ti trật tự, trên dưới, trước sau rõ ràng”. Đó là nền tảng để chị dạy con. Tuy nhiên, chị cũng hiểu giữa hai thế hệ luôn có những “bong bóng” của sự khác biệt, không phải cái gì mình muốn thì con cũng muốn. Có những lúc bất đồng ý kiến, cách chị làm là lắng nghe con trình bày và đặt mình vào vị trí của con để hiểu. Luôn để cho con có một khoảng tự do, Ái Như tránh can thiệp sâu vào chuyện bạn bè của con cái, mặc dù chị vẫn theo dõi để yên tâm rằng con có những mối quan hệ lành mạnh. “Tôi muốn các con tin rằng bất cứ khi nào gặp khó khăn thì luôn có ba mẹ ở bên”, Ái Như chia sẻ.

Hỏi chuyện vì sao không thấy ông xã xuất hiện trong các sự kiện hay trong những bài báo viết về chị, Ái Như bộc bạch, ông xã chị làm giảng viên trường ĐH Bách khoa, quen đứng trên bục giảng, tiếp xúc với sinh viên nhưng không thích xuất hiện trước đám đông. Anh chị quen nhau từ thuở hàn vi, thêm gần 30 năm chung sống nên đã quá hiểu nhau. “Mỗi khi tôi dựng vở mới, gia đình luôn là những khán giả đầu tiên. Và trong suốt những năm tháng qua, anh vẫn đều đặn đưa đón tôi vào mỗi đêm diễn”, chị nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG