Vì sức ép dư luận?

Vì sức ép dư luận?
TP - Định chiếu dịp đại lễ năm ngoái nhưng rồi không thể. Nay kế hoạch ra mắt từ 30-6 của bộ phim 'Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long' cũng lại được thông báo là sẽ hoãn vào thời điểm khác. Vì sức ép của dư luận?

> Tôi kịch liệt phản đối

Đường tới thành Thăng Long- thế là lại “lỗi hẹn”
Đường tới thành Thăng Long- thế là lại “lỗi hẹn”.
 

Đường tới thành Thăng Long - phim “tốt nhất trong khả năng có thể”?

Nhớ lại, thời điểm cận kề Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội, trước dư luận bộ phim Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” do vậy không nên phát sóng, GS.TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư, cố vấn nội dung phim đã phát biểu trên báo:

“Là người trực tiếp đọc kịch bản và xem 19 tập phim, tôi nhận thấy phim thể hiện sinh động với một tình cảm sâu sắc, một thái độ trân trọng với lịch sử. Cái thành công là đã dùng ngôn ngữ điện ảnh để phản ánh trung thực những nét cơ bản của lịch sử- một giai đoạn tuy không dài nhưng hết sức quan trọng”. Ông Dũng nói thêm: “Tranh cãi về độ xác thực của lịch sử là vô cùng. Cũng khó có bộ phim không khuyết điểm. Quan trọng là nhà làm phim đã nỗ lực làm bộ phim tốt nhất trong khả năng có thể”.

Thời điểm đó, Cục phó Cục Điện ảnh VN Lê Ngọc Minh trong lần trả lời Tiền Phong có nêu quan điểm “không ủng hộ cũng không phản đối” phim này. Nay ông Minh trả lời trên báo: “Phim không phạm những điều cấm. Vậy nên trong văn bản gửi Đài THVN chúng tôi cho rằng có thể phát được, nhưng phát thời điểm nào là tùy Đài và phải hạn chế cảnh bạo lực. Luật đã ghi rõ giám đốc Đài chịu trách nhiệm việc phát sóng”.

Được hỏi Đường tới thành Thăng Long là phim thể loại gì, ông Minh đáp: “Phim làm theo tinh thần lịch sử nhưng 19 tập phim này là dã sử, không phải lịch sử (?!) Chính từ đề nghị của Cục Điện ảnh mà Bộ VHTTDL trong công văn ngày 15-3-2011 đã “đề nghị Đài THVN xem xét, quyết định việc phát sóng phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long theo quy định của Luật Điện ảnh và Luật Báo chí” (Dân trí trích công văn của Bộ VHTTDL ).

Chiều 8-6, cộng tác viên Nguyễn Xuân Diện, tác giả bài phỏng vấn GS Lê Văn Lan (Tiền Phong số 159) điện thoại cho Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh để hỏi về số phận phim Đường tới thành Thăng Long. Ông Minh cho biết đang bận họp.

Phóng viên ban Văn Nghệ điện thoại cho Phó Tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương thì ông không bắt máy. Phóng viên để lại lời nhắn, đề nghị cuộc hẹn để hỏi về việc phát hay không phát bộ phim này và được nhắn lại: “Hiện tôi đang đi học nên chưa có thông tin”.

Trang web chính thức của VTV cho đến chiều tối cũng không cập nhật tin tức về việc phát hay không phát bộ phim này trong khi báo Sài Gòn giải phóng lúc 15h26 ngày 8-6 đã đưa tuyên bố của Tổng giám đốc Trần Bình Minh: “Phim ĐTTTL sẽ được phát vào thời điểm khác”.

“Tôi cũng kịch liệt phản đối”

Hiện không khí tranh luận về bộ phim ĐTTTL vẫn đang nóng trên các diễn đàn. Riêng bài Tôi kịch liệt phản đối (trên báo Tiền Phong) cũng nhận rất nhiều ý kiến.

Bạn đọc Quản Thị Bích Ngọc phát biểu trên Tiền Phong: “Một bộ phim thân voi- vòi rắn- lông chim- đuôi chuột như vậy mà VTV cố tình chiếu?”. “Xem ra năm ngoái không chiếu thì nay lại may mắn vì được truyền hình quốc gia dừng một phim lịch sử khá hay (Huyền sử thiên đô) để phát phim này. Tôi kịch liệt phản đối”. (Khán giả Việt).

“Mở kênh nào ra cũng phim Trung Quốc, thêm một phim Trung Quốc nữa có sao?!”(một bạn đọc blog xuândienhannom).

 

Bạn đọc Gà quê phân tích: “Tôi không quan tâm đến trang phục hay nhà cửa, cung điện trong phim. Bởi nếu dùng những gì chúng ta hiện có thì khó mà có cảnh đẹp. Những gì thời Lý để lại bằng hiện vật hầu hết là phế tích. Hơn nữa khả năng của nhà làm phim có hạn.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất là những trang sử về thời Lý thì không thể không tôn trọng. Nếu có hư cấu thì cũng không được xuyên tạc, bóp méo. Nếu là phim bịa ra nhân vật, sự kiện để giải trí như chưởng Trung Quốc, lại là chuyện khác. Nhưng phim này có tên nhân vật, sự kiện lịch sử, không thể xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức về lịch sử.

Cần đặt câu hỏi cho người làm phim: Hư cấu như vậy với mục đich gì? Với nhà duyệt phim: Trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, lòng tự tôn dân tộc đâu rồi? Họ đã duyệt, cho chiếu phim này vì động cơ gì?”.

D.H.T tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG