> Phòng chống thảm họa âm nhạc trong nhà trường
Có lẽ cũng như ở tiểu học, ta chỉ được duy nhất một cô giáo chủ nhiệm (thường không phải là thầy) chỉ dạy, nên ấn tượng về cô theo suốt cuộc đời. Trường nhạc, thầy cô theo trò suốt 5- 7 năm, thậm chí 11 năm. Không nhớ mới là lạ.
Thầy cô trường nhạc kiếm sống thế nào? Du giảng, biểu diễn (nhạc cụ, thanh nhạc), soạn tổng phổ (giao hưởng), phối khí (nhạc nhẹ), viết công trình nghiên cứu (lý luận phê bình), mở lớp dạy thêm. Nghe qua, cuộc sống không đến nỗi nào. Nhưng ngẫm kỹ, hóa ra chỉ giáo viên thanh nhạc may ra sống khỏe. Còn thính phòng giao hưởng quả khó. Cái khó bắt nguồn từ chuyên môn (hẹp), cái khó bắt nguồn từ nhu cầu khán thính giả (hiếm), không kể cái khó chung là barem thù lao nghệ thuật.
Chủ nhiệm khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Nguyễn Thiếu Hoa nhận 5 triệu đồng thù lao cho một bài trong buổi thi tốt nghiệp của sinh viên, có lẽ xuất phát từ những cái khó ấy. Trong cái khó chung của thính phòng giao hưởng VN, giá này được cho là quá cao, dù được sinh viên chấp nhận, dù trình độ của thầy xứng đáng.
Trong lĩnh vực kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vừa khẳng định: Khi đất nước khó khăn thì nên giảm bớt lợi nhuận, thậm chí phải “đồng cam cộng khổ”, đừng vin vào cớ lạm phát cao để làm loạn thị trường.
Học đường không phải thị trường. Thầy Thiếu Hoa cũng chỉ ứng xử theo cách “thuận mua vừa bán”. Nhưng ái ngại thay những phát ngôn của thầy: Nếu họ không mời chỉ huy này thì mời chỉ huy khác. Đấy là nhân quyền. Nói thật, thù lao như vậy là tôi đã hạ giá vì tôi học cả cuộc đời, bôn ba nước ngoài, tha phương học tập ở Liên Xô bao nhiêu năm mới dàn dựng được tác phẩm như vậy.
Những câu nói ấy có phần vô tình, khiến nhiều người thấy phản cảm.
Năm triệu thật ra cũng chưa là gì nếu so với cát – sê của những sao nhạc nhẹ. Nhưng, trong đời cần đôi lần nhìn xuống, nhìn xa ra những thung lũng hoang vắng, những vùng sâu heo hút của đất nước, ở đó chỉ cần nhìn thấy trẻ em đi học, là thầy cô đã đủ xúc động rồi.