>> 'Giao lộ định mệnh' giống hệt 'Shattered'
Poster phim Giao lộ định mệnh. |
Điều này cũng tựa như nhân vật vua Geogre VI trong bộ phim vừa đoạt giải Oscar The King’s Speech đã nỗ lực khắc phục bệnh nói lắp, đàng hoàng, tự tin đứng trước hàng triệu dân chúng.
Scandal Giao lộ định mệnh ở Cánh diều
Việc Giao lộ định mệnh đạo phim như thế nào thì báo chí cũng đã bàn tán, dẫn chứng suốt tháng 10-2010, tức là trước hạn cuối nộp phim tham dự Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam 4 tháng. Nhưng cuối cùng, Giao lộ định mệnh vẫn chính thức nằm trong danh sách 11 phim dự giải Cánh Diều ở hạng mục phim nhựa.
Câu hỏi được đặt ra là: Sự thẩm định của Hội Điện ảnh với các tác phẩm tham dự giải ở đâu? Hội Điện ảnh lý giải, phim đủ các tiêu chí tham dự giải cũng như không có công văn chính thức về việc kiện tụng.
Về luật thì đúng, nhưng một Hội nghề nghiệp thì phải xây dựng trên uy tín thẩm định, nhất là trong văn hóa nghệ thuật, vấn đề đạo là không thể chấp nhận được. Đây rõ là việc làm tắc trách thiếu đồng nhất của bên tuyển phim và Hội đồng thẩm định của Hội.
Phim Shattered. |
Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí và dư luận, Hội Điện ảnh có gợi ý với phía nhà sản xuất nên rút, nhưng phía Công ty Saiga Films – đơn vị sản xuất bộ phim này lại một lần nữa khẳng định về việc Giao lộ định mệnh không đạo phim và có gửi kèm công văn chứng minh, đồng thời nói hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra kiện tụng.
Chiều 4-3, Hội Điện ảnh quyết định chiếu đồng thời hai bộ phim Giao lộ định mệnh (đạo diễn Victor Vũ, sản xuất năm 2010) và phiên bản được cho là nguyên mẫu Shattered của Mỹ (đạo diễn Wolfgang Petersen, sản xuất năm 1991) cho Ban giám khảo cùng Hội đồng nghệ thuật thẩm định. Sau hơn 5 tiếng xem phim, thảo luận, tất cả các thành viên đều khẳng định Giao lộ định mệnh giống Shattered đến 70%.
Nhà văn Chu Lai – thành viên Ban giám khảo khẳng định: “Về hồn cốt một bộ phim thì rõ ràng Giao lộ định mệnh mang toàn bộ câu chuyện của Shattered. Chỉ khác là đem lắp ở bối cảnh, mối quan hệ ở Việt Nam mà thôi. Điều này thì bất kỳ ai đạo cũng có thể làm được. Ý kiến của tôi là loại bỏ bộ phim này”. Chu Lai còn nói, hai phim giống đến 90%.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh- Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thêm: “Ngoài lý do giống bộ phim Shattered thì xem Giao lộ định mệnh không thấy bối cảnh Việt, câu chuyện Việt và tay nghề của đạo diễn cũng không xuất sắc. Tiêu chí giải thưởng thường niên của Hội là đề cao tính sáng tạo, vì vậy nên loại bỏ Giao lộ định mệnh”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng nên xử khéo vụ này như “treo” Giao lộ định mệnh hay cứ cho tham dự nhưng không trao giải, đạo diễn Bùi Đình Hạc thẳng thắn: “Ban tổ chức Hội phai có tiếng nói mạnh mẽ. Mỗi cuộc thi có tiêu chí riêng, Giao lộ định mệnh không phù hợp tiêu chí thì phải loại. Ban giám khảo cũng không chấp nhận một bộ phim như vậy...”.
Đây cũng là ý kiến chung của hầu hết thành viên ban giám khảo. Giao lộ định mệnh chính thức phải rời Cánh Diều 2010.
Phim Cô dâu đại chiến. |
Chữa bệnh “nói lắp” ở điện ảnh Việt
Chuyện Giao lộ định mệnh có đạo phim hay không là chuyện của Saiga films và cá nhân Victor Vũ nhưng nếu nó có giải (Nam diễn viên Trần Bảo Sơn là ứng cử viên lớn cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - PV) thì lại là chuyện khác khi Việt Nam đã tham gia công ước Bern.
Nếu công ty MGM (hãng sản xuất Shattered) kiện thành công, không chỉ Saiga films, đạo diễn Victor Vũ mà Hội Điện ảnh cũng như nền điện ảnh Việt phải mất mặt.
Việc quyết định loại Giao lộ định mệnh cũng mang tính răn đe với bệnh “nói lắp” vẫn tồn tại trong lòng điện ảnh Việt từ lâu. Chuyện tranh cãi “đạo” kịch bản, ý tưởng của nước ngoài, của đồng nghiệp trong làng phim Việt rồi lôi nhau lên mặt báo, kiện tụng nhau ra tòa không phải là hiếm.
Ví dụ như các vụ tranh cãi kịch bản phim Võ lâm truyền kỳ giữa Thiên Ngân và Phước Sang film năm 2006; kịch bản phim Phiên chợ số (công ty Vietbooks) và Sóng gió thương trường (TFS) năm 2008... và gần nhất là Em hiền như Ma-sơ bị cho là giống hệt bộ phim Mỹ Khi các bà xơ hành động (Sister Act). Chưa kể trong các bộ phim Việt đầy rẫy những cảnh cắt xén, vay mượn (Giải cứu thần chết từ phim Mỹ, Bẫy rồng từ Hồng Kông).
Phim truyền hình cũng không chịu kém với Có lẽ nào ta yêu nhau (dựa trên Anh em sinh đôi – Hàn Quốc), Cho một tình yêu (theo kịch bản Hạnh phúc bất ngờ - Đài Loan).... Chưa hết, ngoài Giao lộ định mệnh với bằng chứng Shattered, bộ phim thứ hai Cô dâu đại chiến của Victor Vũ ngoài chất Mỹ đầy rẫy thì cũng đang tiếp tục dính nghi án trùng lặp kịch bản với bộ phim truyền hình Xin thề anh nói thật của biên kịch Nguyễn Quỳnh Trang (35 tập, do FPT Media sản xuất).
Không chỉ kịch bản phim, điều tai hại hơn từ sự lắp bắp không tìm được lối thoát này là xu hướng “làm giống phim nước ngoài” khiến tư duy của những người làm điện ảnh không thể tìm được lối đi riêng. Một số phim giải trí khiến người xem cảm giác “nhái Mỹ”, còn phim nghệ thuật thì thấy rặt bóng dáng... Trần Anh Hùng – một đạo diễn có thể coi là niềm tự hào của người Việt thời điểm này nhưng cũng để lại một vệt hệ lụy cho các đạo diễn trẻ ở Việt Nam.
Việc Giao lộ định mệnh và Cánh Diều của Hội xem ra cũng có nhiều điểm tương đồng với bộ phim vừa đoạt giải Oscar The King’s Speech. Vua Geogre VI để có tiếng nói uy quyền trước triệu dân đã phải hạ mình thành người học trò, đẹp bỏ lòng tự ái, uy quyền, thói quen của bậc quân vương để chữa bệnh nói lắp.
Tiếp xúc với bác sĩ Lionel Logue cũng là tiếp xúc với dân để từ đó ông có cái nhìn sâu sát hơn trong bài phát biểu. Giá như Hội Điện ảnh sâu sát, ngay từ khi nghi án Giao lộ định mệnh được khơi mào đầu tháng 10 thì sự thẩm định không phải chờ đến ngày 4-3, khi phim đã vào danh sách.
Việc loại Giao lộ định mệnh ra khỏi danh sách dự giải Cánh Diều là hoàn toàn chính xác. Việc sửa sai này khiến Hội Điện ảnh mang tiếng ít nhiều nhưng mặt khác, nó xác lập lại uy tín của một Hội nghề nghiệp. Nếu cứ để Giao lộ định mệnh tham dự (và không trao giải – như một số người đề xuất) thì Hội còn phải “nói lắp” nhiều lần nữa trước báo chí và dư luận. |