>> Hai bức tranh lụa giống nhau 80%
Báo Tiền Phong số 304, ra ngày Chủ nhật 31-10-2010 đã phản ánh về hai tác phẩm hội họa giống nhau khá nhiều về bố cục. Đó là tác phẩm “Dệt thổ cẩm” (lụa) của Nguyễn Thị Thiền, là tác phẩm tốt nghiệp lớp Cao học Mỹ thuật năm 2008 (Trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội) và tác phẩm “Sắc mầu dân tộc” (lụa) của Hoàng Mạnh, cũng là tác phẩm tốt nghiệp chuyên ngành lụa, khoa Sư phạm Mỹ thuật năm 2006 (Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội). Chỉ có điều, hai tác giả này không hề quen biết nhau và tác phẩm cũng ra đời cách nhau 2 năm.
Giống nhau không là của hiếm!
Trao đổi với ông Chu Anh Phương (Trưởng khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông Phương khẳng định anh Hoàng Mạnh là một sinh viên tốt, chăm chỉ, có nhiều ý tưởng. Bản thân ông chứng kiến tác phẩm “Sắc mầu dân tộc” của Mạnh từ quá trình phác thảo, và Mạnh dùng bài này để tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Về việc hai tác phẩm giống nhau, ông Phương cho biết: “Không phải là của hiếm trong giới sinh viên hội họa. Tôi đã phải hủy bài tốt nghiệp của một sinh viên, khi cậu ta ăn cắp một tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên trường khác. Thậm chí, một số sinh viên làm cả bài tập hộ nhau. Như vậy, tư cách sinh viên của họ đã kém rồi chứ không nói gì đến tư cách nghệ sĩ”.
Họa sĩ Lê Văn Sỉu. |
Gần với quan điểm này, ông Lê Văn Sỉu (Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho hay: “Nhái tác phẩm của nhau thì âm nhạc hay văn chương cũng có chứ không riêng gì hội họa, càng không riêng sinh viên mới vào trường. Nhưng tôi thấy không phải là số nhiều, chỉ là một số. Những trường hợp này đương nhiên là thiếu tư cách rồi”.
“Tinh thần chung thì hai tác phẩm có độ gần gũi nhau, chứ không giống hoàn toàn” - Họa sĩ Lê Văn Sỉu |
Điều đáng nói là ngay trước cổng trường đào tạo hội họa, có các cửa hàng bày bán tràn lan những phác họa, ảnh chụp các tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên ra trường. Sinh viên khóa sau, đáng lẽ chỉ nên mua để xem và tham khảo, thì có sinh viên lại copy bố cục, chi tiết từ những tác phẩm xuất sắc.
Ông Phương nói thêm: “Lỗi sinh viên copy, vay mượn này xảy ra nhiều hơn là do xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo ngắn, việc quản lý lỏng lẻo không thống nhất. Có những đơn vị không biết sinh viên trường mình copy, có những đơn vị biết rõ nhưng lại bỏ qua”.
Cần thẩm định thêm
Ông Lê Văn Sỉu (thay mặt Ban giám hiệu Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam làm việc với Báo Tiền Phong), cho biết: Nếu chỉ nhìn ảnh của hai tác phẩm, có cảm giác có sự giống nhau một phần nào đó, nhưng giống mức độ bao nhiêu % thì cần phải thẩm định kỹ lưỡng hơn. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá chính xác có thật sự xảy ra việc copy của nhau hay không.
Ông Sỉu cho biết thêm: Phía Nhà trường, cụ thể là Hội đồng Khoa học của Nhà trường sẽ phải làm việc, kiểm tra đánh giá cụ thể về việc này. Còn nếu giờ khẳng định, cũng chỉ mang tính chất võ đoán.
Ông Sỉu phản biện: Nếu căn cứ trên ảnh chụp tác phẩm thì cũng chưa chính xác, cần phải đối chiếu lại tác phẩm của hai sinh viên. (Tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên được giữ tại trường). Vì sau khi nộp bài tốt nghiệp, có nhiều sinh viên chép lại tác phẩm cũng có thể sửa đổi nữa để giữ lại một bản.
Thế nhưng, đứng ở góc độ nghệ sĩ (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam), ông Sỉu cho rằng “có sự giống nhau ở hai bức tranh, nhất là nhịp của vải sọc trắng trông rõ nhất”. Cạnh đó, ông đưa ra sự khác nhau như: “tỉ lệ hai bên khác nhau; toàn bố cục khác nhau từ mảng nền đến hướng đi…”
Ông Sỉu đánh giá: “Tinh thần chung thì hai tác phẩm có độ gần gũi nhau, chứ không giống hoàn toàn”.
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên. |
Khác với ý kiến ông Sỉu, ông Đoàn Văn Nguyên (người trực tiếp hướng dẫn anh Hoàng Mạnh) đánh giá: “Hai bức tranh của Hoàng Mạnh và Nguyễn Thị Thiền có bố cục giống nhau, nhìn thấy cô Thiền lấy bố cục của cậu Mạnh nhưng có thay đổi đi”.
Hai bức tranh của Hoàng Mạnh và Nguyễn Thị Thiền có bố cục giống nhau, nhìn thấy cô Thiền lấy bố cục của cậu Mạnh nhưng có thay đổi đi. - Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên |
Ông Nguyên nói thêm, khi Hoàng Mạnh làm những phác thảo đầu tiên ông Nguyên đã khuyên: “Phải làm bố cục cho khác đi”.
Để có tác phẩm “Sắc mầu dân tộc” như bây giờ, ông Nguyên nói đã phải “chỉnh sửa rất nhiều” anh Mạnh.
Ông Nguyên khẳng khái thêm: “Trong nghệ thuật, đồng ý có thể giống nhau về ý tưởng, nhưng bố cục phải khác nhau”