Sẽ cấm xin ấn Đền Trần?

Lễ khai ấn Đền Trần. Ảnh: KT (Giadinh.net)
Lễ khai ấn Đền Trần. Ảnh: KT (Giadinh.net)
Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 75/2010/NĐ–CP, hành vi xin ấn, xin xăm, xóc quẻ, yểm bùa sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

>> Sự thật ấn Đền Trần ở Thái Bình

Lễ khai ấn Đền Trần. Ảnh: KT (Giadinh.net)
Lễ khai ấn Đền Trần. Ảnh: KT (Giadinh.net).


Những băn khoăn

Nghị định 75 không quy định cụ thể hoạt động xin ấn sẽ bị cấm, nhưng tại Điều 4 dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành thì có quy định, nằm trong nhóm “quy định cấm trong hoạt động lễ hội”, bao gồm xin xăm, xin ấn, xóc quẻ, yểm bùa. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều, khiến việc ban hành Thông tư chậm tiến độ.

Đền Trần (Nam Định - thờ Hưng Đạo Đại Vương) là lễ hội có quy mô rất lớn. Mỗi mùa lễ, hàng vạn khách thập phương về lễ Đức Thánh Trần và xin ấn. Bình luận về việc dự thảo Thông tư sẽ cấm hoạt động xin ấn, bà Lê Thị Châu sống gần khu vực Đền Trần nói không nên bỏ việc phát ấn.

Theo bà Châu, đây là một hoạt động tín ngưỡng đã có từ lâu, trở thành một nét đặc sắc của lễ hội, nếu bãi bỏ thì lễ hội đền Trần còn gì là đặc sắc (?!)

Đồng quan điểm, GS Kiều Thu Hoạch (Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian) cho rằng, cấm xin ấn là không thỏa đáng. Vì xin ấn không phải là hoạt động mê tín dị đoan. Cơ quan chức năng cần có hình thức quản lý chặt chẽ để không xảy ra các vấn đề tiêu cực trong công tác tổ chức lễ hội, chứ không nên loại bỏ hình thức văn hóa này.

Đại đức Thích Tâm Kiên (Trụ trì chùa Một Cột, Hà Nội) nói không nên đánh giá việc xin ấn là hoạt động mê tín dị đoan, đây đơn thuần chỉ là tạo niềm tin cho con người. Nếu muốn quản lý hoạt động này thì chỉ nên thông báo với Ban tổ chức các lễ hội là không được phát ấn, chứ không nên phạt người đi xin ấn.

Xin ấn là để cầu may

Trả lời PV, ông Lê Anh Tuyến - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch) - cho biết, hiện có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương cấm xin ấn trong dự thảo.

Nhưng ông Tuyến giữ quan điểm phát ấn là hoạt động mê tín, vì cho rằng trước đây thời các vua Trần tổ chức khai ấn không hề có chuyện phát ấn như ngày nay. Khai ấn đã bị biến tướng, khiến nhiều người tin rằng cứ xin được ấn sẽ thăng quan tiến chức.

Không chỉ thế, việc phát ấn còn dẫn tới nhiều hệ lụy: Ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh, gây tốn kém tiền bạc của nhân dân. Việc cấm xin ấn đang được bàn bạc và nhận được một số ý kiến đồng tình.

Ngược lại quan điểm của Tuyến, ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định - cho rằng Lễ khai ấn đền Trần là lễ hội có từ lâu đời tại Nam Định. Lễ hội này được tổ chức rất vô tư, trong sáng. Càng ngày, càng thu hút đông người tham gia. Mục tiêu của những người đến với lễ khai ấn là nhằm lấy may. Như vậy, ở góc độ nào đó thì lễ hội đã mang tính tích cực.

Hơn nữa, theo ông Thư, việc xin ấn là thể hiện sự suy tôn của nhân dân với công trạng của nhà Trần, thể hiện lòng tự cường của dân tộc. Đây chính là hành vi hướng thiện của con người. Hơn nữa, lễ hội này được cơ quan Nhà nước đứng ra tổ chức chứ không phải tự phát.

Tuy nhiên, ông Thư cũng thừa nhận, một trong những yếu kém khi tổ chức lễ hội này là công tác quản lý chưa được tốt như vấn đề an ninh, giao thông. Do đó, cần khắc phục công tác tổ chức, chứ không nên cấm hẳn.

Mỗi năm, cả nước có hơn 8.000 lễ hội, trong đó khoảng 90% là lễ hội dân gian. Lễ hội vốn là nét đẹp văn hóa, nhưng nhiều khi đã bị biến tướng, trở thành “vấn nạn” gây bức xúc xã hội.

To hay nhỏ, truyền thống, hiện đại hay du nhập thì lễ hội thường mắc “bệnh” chung: Phô trương đến mức lãng phí, thương mại hóa và mê tín dị đoan, pha tạp và vay mượn đến mức trùng lặp, nhàm chán...

Nghị định 75 ban hành một phần là để chấn chỉnh những nhiễu loạn ngay từ mùa lễ hội 2011.

Theo Phượng Hoàng
Gia đình & Xã hội

MỚI - NÓNG