Cổng chào Hà Nội: 'Hãy đơn giản hóa'

Cột Bạch Đằng, đặt tại Quốc lộ 5, bị cho là nhạy cảm, không phù hợp
Cột Bạch Đằng, đặt tại Quốc lộ 5, bị cho là nhạy cảm, không phù hợp
TPO – “Nên đơn giản hóa cổng chào Hà Nội. Tăng lượng cờ và hoa, tránh làm hoành tráng... Đừng cố chất tải nhiều thứ” – ông Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết lý do khiến Hội này chưa tán thành phương án thiết kế cổng chào của Hà Nội.

Trả lời PV Tiền Phong Online sáng nay 12-7 về vấn đề thiết kế cổng chào của Hà Nội, ông Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Ý tưởng làm chưa chín”.

Ông Đức lấy ví dụ về cổng chào từ hướng Bắc Ninh về Hà Nội, có thiết kế 8 con rồng, thể hiện 8 vị vua nhà Lý đã có công dựng xây Thăng Long : “8 vị vua là sang trọng, đặt bên đường như thế thì họ chào ai?” – vị kiến trúc sư này cho rằng: nên đơn giản hóa cổng chào, vì cổng chào là làm nhân dịp một lễ hội nào đó, xong rồi thì có thể dỡ ra.

“Nhưng có thể ai đó muốn làm một công trình kiểu như Khải Hoàn môn của Pháp?” – khi chúng tôi hỏi điều này thì ông Đức khẳng định: Khải Hoàn môn là biểu tượng đô thị, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nó là biểu trưng của thành phố, khác với cổng chào.

“Chúng ta có thể làm tạm, sau này, người dân thấy cái nào đẹp thì mới chi tiền, xây kiên cố” – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ý kiến.

Ông Đức cũng cho biết: ý tưởng về làm cổng chào đã được nêu từ năm 2008, tuy nhiên, cho tới ngày 6-7-2010 vừa rồi, Hội Kiến trúc sư Việt Nam mới được TP Hà Nội tham khảo ý kiến.

Mới đây, Hội Kiến trúc sư Hà Nội vừa có văn bản góp ý về hai mẫu cổng chào mới của Hà Nội. Hai mẫu mới được thể hiện dựa trên các biểu tượng Khuê Văn các và các cột trụ tròn. Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng “các mẫu mới đưa ra có tiến bộ nhưng vẫn không đạt yêu cầu”. Hội khuyến nghị việc đề xuất trụ tròn là không nên vì ban ngày không biểu hiện được các hình điêu khắc, chỉ có trời tối mới thấy...

Theo Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc làm cổng chào đại lễ phải thể hiện tinh thần của cổng chào, không nên thể hiện theo kiểu tượng đài. Mặt khác, Hội này cũng cho rằng: các hình tượng cổng chào được làm ở các trục giao thông lớn, di chuyển tốc độ cao đi vào thành phố, do vậy, không nên chọn những hình tượng kiến trúc quá cụ thể, dễ phân tâm...

 Theo Xuân Long

Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG